Những điều cần biết về bệnh hẹp van động mạch chủ

12/23/2022 11:10:04 AM  11:10

Tác giả: ThS.BS. Nguyễn Anh Quân - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai

1. Thế nào là bệnh hẹp van động mạch chủ?

Động mạch chủ (ĐMC) là động mạch lớn nhất trong cơ thể đưa máu từ tim đi nuôi toàn bộ cơ thể. Van ĐMC là lá van ngăn cách giữa ĐMC và tâm thất trái.
Hẹp van ĐMC là nguyên nhân thường gặp nhất gây tắc nghẽn đường tống máu của tâm thất trái. Đây là một trong những bệnh lý van tim phổ biến nhất ở các nước phát triển, nam gặp nhiều hơn nữ, gia tăng theo tuổi, tỷ lệ mắc tới 2% ở người trên 65 tuổi và ngày càng trở nên phổ biến do dân số già hoá và các tiến bộ trong chẩn đoán.

2. Nguyên nhân gây hẹp van ĐMC

Mắc phải:

  • Thoái hoá van ĐMC: nguyên nhân thường gặp nhất, khoảng 25% người bình thường trên 65 tuổi có xơ hoá lá van ĐMC các mức độ.
  • Hẹp van ĐMC sau thấp tim: thường đi kèm bệnh lý van hai lá. Ngày nay, thấp tim ngày càng ít gặp hơn, kể cả ở các nước đang phát triển như Việt Nam, do vậy tổn thương hẹp chủ hậu thấp cũng ít đi.
  • Các nguyên nhân khác: bệnh Paget, suy thận giai đoạn cuối.

Bẩm sinh: Bệnh lý van ĐMC hai lá van gặp với tần suất 1 - 2% trẻ sơ sinh sống.

3. Biểu hiện lâm sàng

Biểu hiện kinh điển của hẹp van ĐMC là tam chứng: đau ngực, khó thở, ngất, thường xuất hiện khi hẹp nặng. Có thể xảy ra đột tử do rối loạn nhịp thất.
Khám lâm sàng, bắt mạch sẽ thấy mạch nhỏ, nảy chậm (rõ nhất ở động mạch cảnh); nghe tim có tiếng thổi tâm thu tống máu ở phía trên bên phải xương ức, lan lên cổ, đạt cường độ cao nhất vào đầu đến giữa tâm thu.

4. Cận lâm sàng

Điện tâm đồ, chụp X-quang ngực có thể thấy các dấu hiệu gợi ý của bệnh.

Siêu âm tim qua thành ngực là thăm dò cơ bản giúp chẩn đoán xác định hẹp van ĐMC, đánh giá tổn thương phối hợp, cũng như phân độ giai đoạn bệnh. Kết quả siêu âm tim sẽ giúp thày thuốc đưa ra quyết định điều trị bệnh lý van ĐMC. Trong một số trường hợp nghi ngờ, thày thuốc có thể chỉ định thêm siêu âm tim qua thành ngực hoặc siêu âm tim gắng sức với dobutamine.

5. Tiến triển của bệnh và tiên lượng

Tiến triển của bệnh thay đổi theo từng cá thể. Tiến triển tự nhiên của hẹp van ĐMC bao gồm giai đoạn không triệu chứng kéo dài, ngay cả khi có cản trở đường ra thất trái và tăng gánh áp lực trong buồng thất trái. Triệu chứng lâm sàng thường chỉ biểu hiện khi có hẹp van ĐMC khít (diện tích lỗ van dưới 1 cm2, tốc độ dòng qua van trên 4 m/giây, chênh áp trung bình qua van ĐMC vượt quá 40 mmHg). Một số bệnh nhân có thể biểu hiện triệu chứng sớm hơn, nếu có hở van ĐMC kèm theo.

Khi đã xuất hiện triệu chứng, tiên lượng xấu đi đáng kể nếu không được can thiệp hoặc phẫu thuật.

Hẹp van ĐMC có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đe doạ tính mạng:

  • Suy tim.
  • Rối loạn nhịp tim: rối loạn nhịp thất (Ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất, rung thất,…), rối loạn nhịp nhĩ (Rung nhĩ hay gây ra các đợt suy tim cấp do mất cơ chế bóp bù của tâm nhĩ, giảm lưu lượng nhĩ - thất, giảm cung lượng tim).
  • Đột tử.
  • Tắc mạch do các mảnh vôi hóa, xơ vữa, mảnh sùi...
  • Hội chứng vành cấp.

6. Điều trị

a. Điều trị nội khoa

Chưa có phương pháp điều trị nội khoa nào được chứng minh là có thể ngăn ngừa quá trình tiến triển của bệnh hay cải thiện tiên lượng bệnh. Một số thuốc (lợi tiểu, chẹn beta giao cảm, …) có thể giúp cải thiện triệu chứng của bệnh.

b. Phẫu thuật thay van ĐMC cơ học hoặc sinh học:

Là phương pháp điều trị hiệu quả với tỷ lệ tử vong quanh phẫu thuật là 1%, biến chứng sau phẫu thuật là 1%/năm tại các trung tâm có nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên số liệu từ những nghiên cứu sổ bộ quốc gia cho thấy tỷ lệ tử vong quanh phẫu thuật khoảng 3%.

Van sinh học nên được lựa chọn cho những bệnh nhân lớn tuổi, và cũng có thể được sử dụng ở những bệnh nhân trẻ tuổi nếu muốn tránh nguy cơ huyết khối hoặc xuất huyết (ước tính khoảng 2 - 4 %/ năm).

c. Nong van động mạch chủ bằng bóng qua da

Chỉ là phương pháp điều trị thay thế tạm thời cho phẫu thuật hoặc thay van ĐMC qua đường ống thông đối với bệnh nhân hẹp van ĐM chủ nặng vì biến chứng xung quanh thủ thuật  và tỷ lệ tái hẹp cao.

d. Thay van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI)

Thay van ĐMC qua đường ống thông là thủ thuật xâm lấn tối thiểu như một phương pháp thay thế cho phẫu thuật thay van nhân tạo đối với những bệnh nhân hẹp van ĐMC nặng có chỉ định thay van với chỉ định ngày càng được mở rộng.