Phòng chống bệnh tăng huyết áp - Giảm gánh nặng bệnh tật

6/14/2011 9:54:12 AM  09:54

Chương trình Quốc Gia phòng chống Tăng huyết áp.

1.1. Tình hình tăng huyết áp (THA) và quản lý huyết áp trên thế giới:

- THA là một bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới. THA không chỉ có ảnh hưởng lớn đến gánh nặng bệnh lý tim mạch mà cũng có ảnh hưởng nhiều đến gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), HA là một trong sáu yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng tới phân bố gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

- Tần suất THA trong cộng đồng ngày càng gia tăng và hiện tại đang ở mức rất cao, đặc biệt ở các nước phát triển. Tại các nước đang phát triển có hình thái bệnh tật chuyển đổi từ các bệnh nhiễm trùng là chủ yếu sang các bệnh không lây truyền là chính. Tần suất THA là 28,7% ở Hoa Kỳ (2000); 22% ở Canada (1992); 45,9% ở CuBa; 38,8% ở Anh (1998); 38,4% ở Thuỵ Điển (1999); 26,3% ở Ai Cập (1991); 15,4% ở Cameroon (1995); 27,2% ở Trung Quốc (2001); 20,5% ở Thái Lan (2001); 26,6% ở Singapore (1998)...

- Năm 1991, Hoa Kỳ có khoảng trên 50 triệu người bị THA, chiếm tỷ lệ trên 30% trong số người lớn >18 tuổi. Chi phí trực tiếp hoặc gián tiếp cho điều trị, chăm sóc bệnh nhân THA hàng năm tới trên 259 tỷ đô la Mỹ. Từ những năm 70, Chính phủ Hoa Kỳ và các cơ quan chức năng đã sớm đề xuất và thực hiện các biện pháp can thiệp cho THA và kết quả là họ đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh (morbidity) cũng như tỷ lệ tử vong (mortality) do các bệnh tim mạch có liên quan đến THA. Từ năm 1970 - 1994, nhờ các chương trình can thiệp và quản lý các yếu tố nguy cơ và THA nên tỷ lệ tử vong do tai biến mạch não đã giảm được 50 - 60% và tỷ lệ tử vong do các bệnh động mạch vành cũng giảm khoảng 40 - 50%.

- Tại Trung Quốc, từ năm 1991 - 2000, Bộ Y tế đã tiến hành chương trình quản lý đái tháo đường và THA tại cộng đồng của 3 thành phố lớn là Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Kết quả của điều tra sức khoẻ năm 2001 cho thấy tỷ lệ phát hiện sớm THA tăng từ 26,3% lên 44,7%; tỷ lệ người dân bị THA được điều trị tăng từ 12,1% lên 28,2% và tỷ lệ kiểm soát được huyết áp về bình thường tăng từ 2,8% lên 8,1%. Các biến chứng do THA gây ra cũng giảm đáng kể trong chương trình này: tỷ lệ mới mắc tai biến mạch máu não giảm được 52% ở nam giới và 53% ở nữ giới; tỷ lệ tử vong chung do đột quỵ cũng giảm được 54%. Năm 1995, Chính phủ Trung Quốc phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới tiến hành chương trình Tuyên truyền giáo dục và dự phòng bệnh không lây nhiễm giai đoạn 1996 - 2002 tại 7 thành phố lớn nhất của Trung Quốc bao gồm khoảng 90 triệu dân. Kết quả cho thấy chương trình này đã giúp làm giảm tỷ lệ người lớn hút thuốc lá từ 29% xuống còn 13%; tăng tỷ lệ người dân có thói quen tập luyện thể dục thường xuyên từ 41% lên 84%; tăng tỷ lệ phát hiện sớm THA thêm 15%; giảm được 50% tỷ lệ bị các biến chứng về tim mạch và đột quỵ ở người dân có THA.

- Năm 1980, tỷ lệ THA của người dân lớn hơn hoặc bằng 20 tuổi ở Israel là khoảng 28,6%. Và từ những năm 80 này, Chính phủ Israel đã tiến hành các chương trình phát hiện sớm và kiểm soát THA trên phạm vi toàn quốc (AHDCP: Ashkelon Hypertension Detection and Control Program và The Israel Blood Pressure Control program (IBPCP). Đây là chương trình kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao hiểu biết của người dân, thực hiện lối sống lành mạnh dự phòng THA và điều trị bằng các thuốc hạ huyết áp cho những người bị THA. Kết quả sau 20 năm cho thấy tỷ lệ kiểm soát được huyết áp về mức bình thường tăng từ 29% lên 46,7%; tỷ lệ nhồi máu cơ tim cấp và đau thắt ngực không ổn định do THA giảm được16%; tỷ lệ tai biến mạch máu não do THA giảm được 41,2%; tỷ lệ suy thận giai đoạn cuối do THA giảm 50%. Chương trình đã cứu sống được 2.242 người (trung bình 110 người/năm). Cũng qua các chương trình quản lý THA này, ngành y tế đã tiết kiệm được cho Chính phủ Israel 185 triệu USD, tức là khoảng 9,25 triệu USD/năm.

1.2. Tình hình THA và quản lý huyết áp tại Việt Nam:

Tỷ lệ THA tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Theo thống kê của GS. Đặng Văn Chung năm 1960, tần suất THA ở người lớn phía Bắc Việt Nam chỉ là 1% và hơn 30 năm sau (1992), theo điều tra trên toàn quốc của Trần Đỗ Trinh và cộng sự thì tỷ lệ này đã là 11,7%, tăng lên hơn 11 lần và mỗi năm tăng trung bình 0,33%. Và 10 năm sau (2002), theo điều tra dịch tễ học THA và các yếu tố nguy cơ tại 4 tỉnh phía Bắc Việt Nam ở người dân lớn hơn hoặc bằng 25 tuổi thì tần suất THA đã tăng đến 16,3%, trung bình mỗi năm tăng 0,46%. Như vậy, tốc độ gia tăng về tỷ lệ THA trong cộng đồng ngày càng tăng cao. Tỷ lệ THA ở vùng thành thị là 22,7%, cao hơn vùng nông thôn (12,3%). Với dân số hiện nay khoảng 84 triệu người (2007), Việt Nam ước tính có khoảng 6,85 triệu người bị THA, nếu không có các biện pháp dự phòng và quản lý hữu hiệu thì đến năm 2025 sẽ có khoảng 10 triệu người Việt Nam bị THA.

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh THA trong cộng đồng như: tuổi cao, hút thuốc lá, uống nhiều rượu/bia, khẩu phần ăn không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều chất béo), ít hoạt động thể lực, béo phì, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn lipid máu, tiểu đường, tiền sử gia đình có người bị THA... Phần lớn những yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được khi người dân có hiểu biết đúng và biết được cách phòng tránh. Nhưng theo điều tra dịch tễ năm 2002 của Viện Tim mạch Việt Nam, 77% người dân hiểu sai về bệnh THA và các yếu tố nguy cơ của bệnh; hơn 70% các trường hợp không biết cách phát hiện sớm và dự phòng bệnh THA. Hiểu biết của người dân về bệnh THA ở nông thôn kém hơn hẳn ở thành thị.

Các biến chứng của THA là rất nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù loà... Những biến chứng này có ảnh hưởng lớn đến người bệnh, gây tàn phế và trở thành gánh nặng về tinh thần cũng như vật chất của gia đình bệnh nhân và xã hội.

Nguyễn Văn Đăng và cộng sự thuộc Bộ môn Thần kinh trường Đại học Y Hà Nội đã điều tra 1.707.609 người dân và cho thấy THA là nguyên nhân chính (chiếm 59,3% các nguyên nhân) gây ra tai biến mạch máu não (TBMMN). Theo niên giám thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ mắc TBMMN là 47,6/100.000 dân. Như vậy, hàng năm có khoảng 39.980 ca bị TBMMN và chi phí trực tiếp để điều trị bệnh này là 144 tỷ VND/năm trong đó hậu quả do THA gây ra là 85,4 tỷ VND. Có khoảng 15.990 người bị liệt, tàn phế, mất sức lao động do TBMMN/năm.

Theo điều tra dịch tễ học suy tim và một số nguyên nhân chính tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam năm 2003 do Viện Tim mạch Việt Nam phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện cho thấy nguyên nhân hàng đầu gây suy tim tại cộng đồng là do THA (chiếm 10,2%), sau đó là do  bệnh van tim do thấp (0,8%).

Ở nước ta cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có hệ thống quản lý và dự phòng đối với bệnh THA, các hoạt động y tế hiện mới chỉ tập trung cho công tác điều trị bệnh tại các bệnh viện. Chưa có mô hình dự phòng, ghi nhận và quản lý bệnh THA tại cộng đồng. Công tác tuyên truyền bệnh THA tại cộng đồng chưa sâu rộng, các hoạt động điều tra dịch tễ, đào tạo cán bộ cho công tác phòng chống THA tại cơ sở còn rất hạn chế. Ngân sách đầu tư cho công tác quản lý THA tại cộng đồng cũng còn khá khiêm tốn.

2. Mục tiêu dự án

2.1. Mục tiêu chung:

Nâng cao nhận thức đúng của nhân dân về bệnh THA và các yếu tố nguy cơ; Tăng cường năng lực của nhân viên y tế trong công tác dự phòng, phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh THA theo phác đồ do Bộ Y tế quy định.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

a. Nâng cao nhận thức của nhân dân về dự phòng và kiểm soát bệnh THA. Phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% người dân hiểu đúng về bệnh THA và các biện pháp phòng, chống bệnh THA.

b. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực làm công tác dự phòng và quản lý bệnh THA tại tuyến cơ sở. Phấn đấu đạt chỉ tiêu 80% cán bộ y tế hoạt động trong phạm vi dự án được đào tạo về biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và quản lý bệnh THA.

c. Xây dựng, triển khai và duy trì bền vững mô hình quản lý bệnh THA tại tuyến cơ sở.

d. Phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% số bệnh nhân THA được phát hiện sẽ được điều trị đúng theo phác đồ do Bộ Y tế quy định.

3. Giải pháp:

3.1. Giải pháp về chuyên môn, nghiệp vụ:

3.1.1. Chương trình tuyên truyền về bệnh THA cho cộng đồng:

Biên soạn các bản tin về bệnh THA và phát thanh hàng tháng trên loa phóng thanh: Bản tin được phát hàng tuần trong 1 tháng đầu tiên, sau đó được phát lại mỗi tháng một lần trong suốt thời gian thực hiện dự án.  Mỗi lần phát thanh, thời gian là từ 5 - 10 phút. Nội dung của bản tin tập trung vào tuyên truyền, giáo dục thay đổi lối sống và thực hiện lối sống lành mạnh để dự phòng bệnh THA.

Biên soạn, in ấn các tờ rơi tuyên truyền về bệnh THA phát cho các hộ gia đình: Tờ rơi có 1 trang, dễ hiểu, có nội dung gồm THA là gì, những yếu tố nguy cơ của THA, cách phòng bệnh THA, những biến chứng của THA, các biện pháp theo dõi và quản lý THA.

Bảng tuyên truyền: Các bảng tuyên truyền về THA được đặt tại các vị trí công cộng như trạm y tế xã, uỷ ban nhân dân xã, hội trường thôn/xóm, chợ, trường học... với nội dung bao gồm: Hãy điều trị THA; Hãy phòng bệnh THA, THA là kẻ giết người thầm lặng.

Tổ chức các buổi nói chuyện và tư vấn về THA tại các cơ quan và các tổ chức xã hội tại cộng đồng. Các buổi hội thảo, nói chuyện được tổ chức tại cộng đồng với sự hợp tác của các tổ chức xã hội như Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn TNCS, Hội nông dân, trường học...

Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, kênh truyền hình O2 và Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng các chương trình tuyên truyền về bệnh THA, các biện pháp dự phòng và điều trị thông thường bệnh THA trên các chương trình của đài truyền hình và đài phát thanh trong phạm vi toàn quốc.

Phối hợp với Đài truyền hình địa phương và Đài phát thanh địa phương của 63 tỉnh/thành trong cả nước xây dựng các chương trình tuyên truyền về bệnh THA, các biện pháp dự phòng và điều trị thông thường bệnh THA và phát thanh tuyên truyền tại chính các địa phương.

 3.1.2. Chương trình giáo dục, tập huấn về bệnh THA, cách dự phòng và quản lý bệnh cho nhân viên y tế từ trung ương đến địa phương:

Chương trình sẽ được tiến hành trên phạm vi cả nước cho nhân viên y tế ở 63 tỉnh/thành, 650 huyện và hơn 10.750 xã có tham gia vào dự án. Nội dung giáo dục, tập huấn gồm:

- Giáo dục cho các nhân viên y tế ở trung ương và địa phương những hiểu biết chính về bệnh THA và các hậu quả của bệnh.

- Hướng dẫn cách đo huyết áp đúng và các biện pháp phát hiện sớm và ghi nhận bệnh THA cho nhân viên y tế từ các tuyến trung ương đến tuyến cơ sở.

- Hướng dẫn về cách thay đổi lối sống và thực hiện lối sống lành mạnh trong dự phòng và điều trị bệnh THA.

- Tập huấn cho các cán bộ y tế chuyên trách của 63 tỉnh/thành và của hơn 650 huyện trên cả nước về mô hình dự phòng và quản lý bệnh THA tại cộng đồng.

- Phối hợp cùng cán bộ y tế chuyên trách của các tỉnh/thành và các huyện thực hiện tập huấn cho các nhân viên y tế tuyến xã (hơn 10.750 xã) về mô hình dự phòng và quản lý bệnh THA tại cộng đồng.

- Tổ chức các hội thảo quốc gia hoặc các khu vực Bắc, Trung, Nam về các biện pháp dự phòng, cách phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh THA cho các nhân viên y tế cơ sở.

- Tập huấn về giám sát các hoạt động dự phòng và quản lý THA tại cộng đồng cho các cán bộ chuyên trách ở cả Trung ương và các địa phương.

- Kết hợp với các chuyên gia quốc tế về bệnh THA của các dự án khác như Dự án hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới, Dự án Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCD) để tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý bệnh THA tại cộng đồng cho các cán bộ y tế của Trung ương và địa phương.

- Gửi các cán bộ phụ trách chuyên trách đi học tập kinh nghiệm và cập nhật các vấn đề liên quan đến dự phòng và quản lý bệnh THA tại cộng đồng ở các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á và ở các nước tiên tiến.

3.1.3. Xây dựng và triển khai mô hình dự phòng và quản lý bệnh THA tại cộng đồng:

- Xây dựng mô hình dự phòng và quản lý bệnh THA tại cộng đồng.

+  Khảo sát tình hình bệnh THA (hiểu biết, yếu tố nguy cơ, tỷ lệ mắc bệnh... tại cộng đồng tham gia dự án).

+ Thực hiện theo dõi dọc theo thời gian, đo huyết áp định kỳ (1 lần/tháng), đánh giá các yếu tố nguy cơ của từng bệnh nhân, tư vấn về thực hiện lối sống lành mạnh để phòng và chống THA, phát thuốc điều trị THA định kỳ cho bệnh nhân cần điều trị thuốc.

+ Thành lập các câu lạc bộ THA: Các bệnh nhân THA được mời tham gia vào câu lạc bộ THA tại cộng đồng. Câu lạc bộ sẽ sinh hoạt một lần hàng tháng, nội dung thảo luận chủ yếu tập trung vào thay đổi lối sống trong điều trị THA. Tư vấn và trao đổi trực tiếp giữa bệnh nhân và các chuyên gia tim mạch về dự phòng và điều trị đúng bệnh THA.

- Tiến hành thực hiện thí điểm mô hình dự phòng và quản lý bệnh THA tại một số tỉnh ở các khu vực khác nhau (Bắc, Trung, Nam).

- Hội thảo đánh giá và rút kinh nghiệm việc thực hiện thí điểm mô hình dự phòng và quản lý bệnh THA tại cộng đồng.

- Hoàn thiện mô hình chuẩn về mô hình dự phòng và quản lý bệnh THA tại cộng đồng.

- Triển khai trên phạm vi toàn quốc mô hình dự phòng và quản lý bệnh THA tại cộng đồng.

3.1.4. Xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động dự phòng và quản lý bệnh THA tại các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện và xã.

3.1.5. Xây dựng hệ thống sàng lọc, phát hiện sớm và ghi nhận về bệnh THA tại cộng đồng, chủ yếu là tại các tuyến xã (phường) sau đó gửi báo cáo lên tuyến huyện (quận), tỉnh (thành phố) và Trung ương.

3.1.6. Thực hiện lồng ghép các hoạt động dự phòng và quản lý THA tại cộng đồng với hoạt động của chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm, chương trình phòng chống bệnh đái tháo đường, ung thư...

3.2. Giải pháp về cơ chế chính sách:

- Xây dựng các chính sách và cơ chế hoạt động trong lĩnh vực dự phòng và quản lý bệnh THA tại cộng đồng.

- Xây dựng chính sách cho người bệnh bị THA, như chế độ làm việc, nghỉ ngơi, đặc biệt là thuốc điều trị lâu dài cho bệnh nhân.

- Xây dựng cơ chế thực hiện các hoạt động của dự án trong đó có sự tham gia liên ngành, liên tỉnh, liên uỷ ban... giúp cho việc điều phối và thực hiện dự án được thuận lợi.

- Xây dựng cơ chế hoạt động lồng ghép của các thành phần trong chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm để tiết kiệm nguồn nhân lực, vật lực.

- Xây dựng cơ chế va chính sách xã hội hoá công tác phòng chống bệnh THA cho cả các đơn vị y tế bán công và tư nhân.

3.3. Giải pháp về tổ chức:

- Thành lập Ban chỉ đạo dự án có sự tham gia của Bộ Y tế, Viện Tim mạch Việt Nam, UBND và sở y tế các tỉnh, thành trong cả nước.

- Các hoạt động chuyên môn tim mạch trong dự án sẽ được sự tư vấn và giúp đỡ của Hội Tim mạch học Việt Nam, Viện Tim mạch Việt Nam.

- Dự án hoạt động có Ban Điều hành dự án, Thư ký dự án với đơn vị thực hiện ở tuyến Trung ương là Viện Tim mạch Việt Nam, các đơn vị thực hiện dự án ở địa phương là sở y tế, phòng y tế, bệnh viện đa khoa tỉnh, TTYT huyện (quận), phòng y tế huyện (quận), các trạm y tế xã (phường).

- Đơn vị trực tiếp thực hiện các hoạt động của dự án tại cộng đồng là các trạm y tế xã dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Điều hành dự án của các tỉnh, huyện với sự hướng dẫn chuyên môn của Ban điều hành dự án Trung ương.

3.4. Giải pháp về hợp tác quốc tế:

Tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, mở rộng các hợp tác trao đổi về chuyên môn, kỹ thuật, cử cán bộ có đủ năng lực về chuyên môn và ngoại ngữ đi học tập kinh nghiệm và nâng cao năng lực chuyên môn về dự phòng và quản lý bệnh THA ở các nước trong khu vực Đông Nam Á và các nước tiến tiến trên thế giới.

Dự án quốc gia Phòng chống bệnh tăng huyết áp - Viện Tim mạch Việt Nam

GS.TS. Nguyễn Lân Việt