HƯỞNG ỨNG NGÀY TIM MẠCH THẾ GIỚI “CÙNG HÀNH ĐỘNG VÌ MỘT TRÁI TIM KHỎE”

9/22/2013 1:44:28 PM  13:44

THÔNG CÁO BÁO CHÍ HƯỞNG ỨNG NGÀY TIM MẠCH THẾ GIỚI  “CÙNG HÀNH ĐỘNG VÌ MỘT TRÁI TIM KHỎE”

Mỗi năm, các bệnh lý tim mạch đã cướp đi mạng sống khoảng 17,5 triệu người trên toàn Thế giới. Gánh nặng bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, cho gia đình và cho toàn xã hội. Trước thực tế này, Liên đoàn Tim mạch Thế giới (World Heart Federation) ngay từ năm 2000, đã quyết định chọn ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 9 là “Ngày Tim mạch Thế giới” (World Heart Day). Từ đó hàng năm các hoạt động của “Ngày Tim mạch Thế giới” đều được hưởng ứng với rất nhiều các hoạt động khác nhau tại trên 100 nước thành viên của Liên đoàn Tim mạch Thế giới, trong đó có Việt Nam.

Năm nay là năm thứ 13 tổ chức “Ngày Tim mạch Thế giới” có chủ đề “Cùng hành động vì một trái tim khỏe”, nhấn mạnh vấn đề bệnh lý tim mạch ở phụ nữ và trẻ em, bệnh lý tim mạch có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội. Theo Tổ chức Y tế thế giới thì:

Ø Nguyên nhân tử vong do bệnh lý Tim mạch nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người tử vong do 3 loại bệnh lý là HIV/AIDS, Sốt rét và Lao.

Ø Cứ 3 phụ nữ tử vong thì có 1 người tử vong là do bệnh lý tim mạch.

Ø Mỗi năm trênthế giới có khoảng 1 triệu trẻ em sinh ra bị mắc các bệnh tim bẩm sinh.

Như chúng ta đã biết, mô hình bệnh tật ở nước ta hiện nay đã có những thay đổi to lớn. Các bệnh không lây nhiễm, trong đó có các bệnh tim mạch đang có khuynh hướng tăng lên rất rõ ở nước ta.

Trong số những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở nước ta thì những nguyên nhân hàng đầu là: bệnh lý Tim mạch (đặc biệt là THA, bệnh động mạch vành, tai biến mạch mạch nãovà ung thư).

Trong các bệnh tim mạch thì tăng huyết áp là loại bệnh lý phổ biến nhất và tỷ lệ mắc bệnh này cũng gia tăng rất rõ. Theo điều tra gần đây nhất (2008) của Viện Tim mạch Việt Nam, thì tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên ở nước ta đã là 25,1%. Vì tỷ lệ tăng huyết áp tăng quá cao và nhanh như vậy nên tỷ lệ các biến chứng của tăng huyết áp như: tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ… cũng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sức lao động của người dân trong cộng đồng một cách rất rõ rệt. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang có chiều hướng trẻ hóa với rất nhiều đối tượng còn trong độ tuổi lao động.

Tại Viện Tim mạch quốc gia, hàng ngày các thầy thuốc phải đối mặt với khá nhiều bệnh nhân bị Nhồi máu cơ tim, một biến chứng nguy hiểm thường gặp của Tăng huyết áp. Độ tuổi bị nhồi máu cơ tim cũng có khuynh hướng trẻ hóa hơn, thậm chí có những thanh niên 28, 30 tuổi đã mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Bên cạnh đó, biến chứng phình tách thành động mạch chủ do Tăng huyết áp cũng ngày càng được phát hiện nhiều. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong có thể tăng tới 50% trong 24 giờ đầu tiên nếu không được xử lý cấp cứu kịp thời.

Như vậy, rõ ràng là chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc chiến thực sự chống lại bệnh lý tim mạch, trong đó có Tăng huyết áp. Chính vì vậy, chương trình mục tiêu phòng chống Tăng huyết áp quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã được triển khai tích cực tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với những mục tiêu cụ thể là:

- Nâng cao nhận thức của nhân dân về dự phòng và kiểm soát bệnh THA. Phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% người dân hiểu đúng về bệnh THA và các biện pháp phòng, chống bệnh THA.

- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực làm công tác dự phòng và quản lý bệnh THA tại tuyến cơ sở. Phấn đấu đạt chỉ tiêu 80% cán bộ y tế hoạt động trong phạm vi dự án được đào tạo về biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và quản lý bệnh THA.

- Xây dựng, triển khai và duy trì bền vững mô hình quản lý bệnh THA tại tuyến cơ sở.

- Phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% số bệnh nhân THA được phát hiện sẽ được điều trị đúng theo phác đồ do Bộ Y tế quy định.

Bên cạnh đó trong hơn 10 năm gần đây, Viện Tim mạch Việt Nam luôn là đơn vị mũi nhọn của ngành Y tế trong việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý về tim mạch. Viện đã hoàn thiện và đưa vào ứng dụng thường quy nhiều quy trình kỹ thuật thăm dò, chẩn đoán và điều trị hiện đại như Siêu âm cản âm, Siêu âm gắng sức, Siêu âm tim qua thực quản, siêu âm trong long mạch (IVUS), Kỹ thuật nong và đặt Stent động mạch vành qua da, nong van 2 lá qua da bằng bóng, điều trị loạn nhịp tim bền bỉ và phức tạp bằng RF, cấy máy tạo nhịp có khả năng phá rung tự động, cấy máy tạo nhịp tái đồng bộ để điều trị suy tim... Ngoài ra, Viện cũng đã triển khai rất hiệu quả nhiều kỹ thuật can thiệp qua da (không cần phải phẫu thuật) trong điều trị nhiều bệnh tim bẩm sinh thường gặp mà trước đây thường phải phẫu thuật (bít các lỗ thông liên nhĩ, thông liên thất, đóng các ống động mạch bằng dụng cụ qua đường mạch máu). Kỹ thuật phẫu thuật tim hở (thay van tim, sửa van tim, phẫu thuật tim bẩm sinh, phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành) cũng được triển khai thường quy tại Viện Tim mạch Việt Nam đã tạo nên một bước tiến lớn giúp hoàn thiện, đảm bảo điều trị được cả 3 lĩnh vực chính: Nội khoa, Ngoại khoa và Tim mạch can thiệp. Bên cạnh đó, từ năm 2007, Viện đã đi đầu trong việc triển khai nghiên cứu ứng dụng “liệu pháp tế bào gốc” trong điều trị cho các bệnh nhân Nhồi máu cơ tim bị suy tim nhiều. Trong những năm gần đây một số kỹ thuât tiên tiến nữa như thăm dò phân suất dự trữ vành (FFR), thay van động mạch chủ qua da, điều trị RF cho các bệnh nhân THA kháng trị… được triển khai tại Viện, đã thực sự nâng cao chất lượng chẩn đoán và định hướng điều trị hợp lý cho các bệnh nhân có những tổn thương động mạch vành phức tạp.

Có thể nói, việc ứng dụng thành công rộng rãi các kỹ thuật tiên tiến này đã mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội. Thực vậy, rất nhiều bệnh nhân ở nước ta đã được hưởng các thành quả tiên tiến nhất của y tế thế giới trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý tim mạch (thay vì trước đây chỉ có một số ít người có điều kiện ra nước ngoài mới được hưởng những thành tựu đó), mang đến niềm tin cho nhân dân về khả năng điều trị bệnh của ngành Tim mạch nước ta đã vươn lên ngang tầm của nhiều nước tiên tiến trong khu vực. Bên cạnh đó, Viện cũng đã chủ động có được sự hợp tác quốc tế chặt chẽ và hiệu quả với nhiều Viện nghiên cứu, với các GS, BS chuyên ngành Tim mạch hàng đầu trên thế giới nên đội ngũ thầy thuốc của Viện đã luôn được gửi đi các nước bạn để cập nhật những kiến thức và phương pháp điều trị tiên tiến nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực tim mạch can thiệp và phẫu thuật tim mạch. Thời gian vừa qua, một số nước trong khu vực như Singapore, Myanma, Indonesia, Philippin, Nhật Bản... cũng đã cử nhiều bác sĩ sang học tập và trao đổi thêm kinh nghiệm tại Viện Tim mạch Việt Nam.

Nhân ngày Tim mạch Thế giới năm 2013, Ban Quản lý Chương trình phòng chống Tăng huyết áp quốc gia - Bộ Y tế, Viện Tim mạch Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan trung ương như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Sức khỏe và Đời sống, và nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe với thông điệp:“Cùng hành động vì một trái tim khoẻ”. Với thông điệp này, chúng tôi mong muốn mọi người hãy thực hiện một lối sống lành mạnh, không có khói thuốc lá ở trong gia đình cũng như ngay tại trong công sở nơi mình làm việc để có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong công cuộc phòng chống các bệnh Tim mạch.

10 lời khuyên để bảo vệ trái tim cho bạn, gia đình bạn và cộng đồng (Theo nội dung khuyến cáo của Hội Tim mạch Việt Nam):

1. Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn.

2. Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh.

3. Tập thể dục thường xuyên: mỗi ngày tập từ 30 phút - 60 phút sẽ giúp cho phòng chống các bệnh lý tim mạch và sức lao động sẽ được cải thiện hơn.

4. Không hút thuốc lá, thuốc lào vì hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác.

5. Duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân (nếu thừa cân) để làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.

6. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng Cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).

7. Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì bạn càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe của mình.

8. Hạn chế uống rượu, bia: vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và trọng lượng của bạn cũng tăng lên.

9. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình và công sở.

10. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.

11. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả.

 

GS. TS. Nguyễn Lân Việt

Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam

Giám đốc Ban Quản lý Dự án phòng, chống THA Quốc gia

Các tin khác