Khi bạn bị tăng huyết áp thì cần ĐIỀU TRỊ như thế nào?

12/28/2018  00:00

Tác giả: PGS.TS.Nguyễn Thị Bạch Yến - Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai.

1/ Mục tiêu của điều trị tăng huyết áp là gì? Cần điều trị trong bao lâu?

THA xảy ra khi cơ thể chúng ta đã không tự điều hòa được con số huyết áp ở mức “tối ưu” nhất. Vì vậy việc điều trị là giúp cơ thể duy trì được con số huyết áp thường xuyên ở mức tối ưu để không gây ảnh hưởng đến các mạch máu và cơ tim. Vì vây theo dõi và  điều trị THA cần liên tục, lâu dài (suốt đời).

Mặt khác THA lại là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của các bệnh lý tim mạch như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh lý mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, phình tách động mạch chủ và suy thận. Vì vây trong việc theo dõi điều trị THA ngoài mục đích đưa con số huyết áp về mức tối ưu (Huyết áp “đích” ) thì mục tiêu lâu dài và quan trong là ngăn ngừa để người bệnh không bị các biến chứng nêu trên của tăng huyết áp.

2/ Vây huyết áp “ Đích” cần đạt đối với người tăng huyết áp đang đựơc điều trị là bao nhiêu?

  • Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Việt nam, Huyết áp “ đích” cần đạt là dưới 130/ 80 mmHg với tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên, nếu bệnh nhân dung nạp được. Riêng  với người già 65 tuổi thì huyết áp tâm thu nên ở mức từ 130-139 mmHg.
  • Ngoài việc cần đạt đích huyết áp thì người THA cần được kiểm soát tổng thể các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như mức đường trong máu, mức mỡ  trong máu, duy trì cân năng để BMI từ 20 - 22,9 kg/m2….

3/ Để đạt được mục tiêu điều trị, các bệnh nhân THA cần phải làm gì?

Để đạt được mục tiêu điều trị, luôn luôn phải kết hợp giữa thay đổi lối sống toàn diện và các chiến lược điều trị bằng thuốc để kiểm soát tổng thể với trong tâm là giảm con số HA về HA “Đích”.

Thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống:

Đây là biện pháp điều trị không thể thiếu, mọi bệnh nhân THA đều cần phải thực hiện để đạt được huyết áp mục tiêu và giảm số thuốc cần dùng. Các biện pháp đó là:

- Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng. bao gồm :

+ Ăn nhạt: Dưới 5g muối/ngày;

+ Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi (> 400g / ngày)

+ Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol, acid béo no và A béo dạng trans (có nhiều trong mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chiên rán...).

- Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng. Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.

- Hạn chế uống rượu, bia.

- Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.

- Tăng cường hoạt động thể lực: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa, đều đặn khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày và 5-7 ngày/ tuần.

- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.

- Tránh bị lạnh đột ngột.

Điều trị THA bằng thuốc:

Có rất nhiều loại thuốc khác nhau có tác dụng hạ huyết áp. Mỗi thuốc này có những ưu, nhược điểm riêng và phù hợp với từng đối tượng người bệnh khác nhau.

Người bệnh cần được khám tổng thể và đo huyết áp tại các cơ  sở y tế để được bác sỹ đánh giá tổng thể các yếu tố nguy cơ, áp dụng phác đồ điều trị phù hợp và tư vấn về thay đổi lối sống, cách sử dụng thuốc và các tác dụng phụ của thuốc hạ áp.

Các nhóm thuốc chính dùng để điều trị THA gồm có:

  • Thuốc chẹn kênh Canxi
  • Thuốc ức chế men chuyển
  • Thuốc ức chế thụ thể AT1 của Angiotensin II
  • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc chẹn beta giao cảm
  • Và một số thuốc khác.

Căn cứ vào mức độ THA, vào cơ địa, tuổi và các bệnh phối hợp khác trên từng người bệnh mà người thầy thuốc sẽ quyết định lựa chọn loại thuốc nào (1 thuốc hay phối hợp 2 – 3 loại thuốc) để có thể đạt hiệu quả điều trị cao nhất và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Không phải bất kỳ loại thuốc điều trị huyết áp nào cũng có thể uống cùng với nhau. Thường không uống 2 thuốc cùng 1 nhóm với nhau trừ khi có chỉ định (ví dụ không dùng Amlodipine với Nifedipine...). Trong các nhóm trên thì không nên dùng thuốc ức chế men chuyển cùng với thuốc ức chế thụ thể AT1 của Angiotensin II.

Khi dùng thuốc người bệnh cần biết rõ tác dụng không mong muốn của thuốc, cũng như một số chống chỉ định. Sau đây là ví dụ về một số tác dụng phụ có thể gặp khi dùng các thuốc hạ huyết áp:

  • Thuốc chẹn kênh Canxi: có thể gây nhịp nhanh, nóng bừng mặt, hoặc gây phù 2 chân…
  • Thuốc ức chế men chuyển: có thể gây ho khan…
  • Thuốc ức chế thụ thể AT1 của Angiotensin II: có thể gây phù chân nhưng hiếm gặp..
  • Thuốc lợi tiểu: có thể gây giảm kali máu..
  • Thuốc chẹn beta giao cảm: gây chậm nhịp tim và không đựoc dùng cho người có bệnh hen suyễn hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính..
  • Thuốc ức chế men chuyển và thuốc ức chế thụ thể AT1 không được dùng cho phụ nữ có thai, cho người bị tăng kali máu..

Không có thuốc tốt nhất cho mọi người mà chỉ có thuốc phù hợp nhất với mỗi người.

Ngoài việc theo dõi thường xuyên con số huyết áp, người bệnh cần được định kỳ kiểm tra một số xét nhằm đánh giá tổng thể và chi tiết hơn về THA cũng như tác dụng phụ của thuốc.

Những xét nghiệm gì thường đựơc bác sĩ yêu cầu làm ở bệnh nhân THA? Để đánh giá ban đầu cũng như theo dõi điều trị, các xét nghiêm sau đây cần đựoc chỉ định :

  • Công thức máu, hemoglobin / máu, hematocrit
  • Đường máu (có thể thêm HbA1c)
  • Creatinin máu
  • Điện giải đồ máu: Na, Kali, Cl
  • Mỡ máu: Cholesterol toàn phần, Triglyxerit, LDL –C, HDL-C
  • Tổng phân tích nước tiểu
  • Điện tâm đồ

Ngoài ra nếu có điều kiện có thể làm thêm các XN: Siêu âm tim, Siêu âm động mạch cảnh, đo vận tốc lan truyền sóng mạch, đo chỉ số Cổ chân - cổ tay (ABI).

Bên cạnh đó các bác sĩ có thể đề nghị người bệnh tự theo dõi huyết áp tại nhà hoặc ghi huyết áp lưu động 24 giờ để đánh giá chính xác hơn con số huyết áp của bệnh nhân giúp chẩn đoán cũng như theo dõi kết quả điều trị.

Để việc điều trị có hiệu quả các bạn cần tuân thủ các thuốc theo đơn của bác sĩ. Khi có tác dụng phụ hay bất thường cần báo bác sĩ để điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Không tự ý giảm thuốc, ngừng thuốc, hay tăng thuốc.

Không có một công thức dùng thuốc chung cho mọi bệnh nhân. Mỗi người là một cá thể riêng lẻ, có đặc điểm riêng. Vì vậy việc điều trị cần phù hợp với từng người (còn gọi là cá thể hóa điều trị).