Ai dễ bị TĂNG HUYẾT ÁP ?

12/28/2018  00:00

Tác giả: PGS.TS.Nguyễn Thị Bạch Yến - Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai.

Có khoảng 10% bệnh nhân bị THA là có nguyên nhân (gọi là THA thứ phát), đây là các trường hợp mà THA là hậu quả của các bệnh khác như bệnh nội tiết,  bệnh hẹp động mạch thận hay hẹp eo động mạch chủ, bệnh thận. ...Còn khoảng 90% bệnh nhân bị THA còn lại là không có nguyên nhân nên được gọi là bệnh THA (hay THA tiên phát). Tuy nhiên  y học cũng chứng minh có một số yếu tố nguy cơ gây nên bệnh THA. Trong số các yếu tố này có những yếu tố ta không thể thay đổi được hoặc rất khó thay đổi như tuổi cao, nam giới, tiền sử gia đinh, yếu tố môi trường, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên bên cạnh đó có nhiều yếu tố chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được như chế độ ăn uống, thói quen, lối sống không tốt cho sức khỏe. Một điều đáng lưu ý là khi chúng ta càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng bị bệnh lại càng tăng lên và tăng lên theo cấp số nhân. Các yếu tố này cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não...Vì vậy để phòng bệnh THA và bệnh tim mạch, mỗi người nên cố gắng hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ gây được đề cập dưới đây:

Tiền sử gia đình có người bị THA: theo thống kê của nhiều tác giả cho thấy bệnh THA có thể có yếu tố gia đình. Trong gia đình nếu ông, bà, cha, mẹ bị bệnh THA thì con cái có có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn. Vì vậy, những người mà tiền sử gia đình có người thân bị THA càng cần phải cố gắng loại bỏ các yếu tố nguy cơ, như vậy mới có thể phòng tránh được bệnh THA.

Tuổi cao: tuổi càng cao thì càng dễ bị THA. Đó là do thành động mạch bị lão hóa và xơ vữa làm giảm tính đàn hồi và trở nên cứng hơn vì thế làm cho huyết áp tâm thu tăng cao hơn còn huyết áp tâm trượng thì bình thường, đây gọi là thể THA tâm thu đơn thuần.

Để phòng bệnh THA thì mỗi người cần có một lối sống lành mạnh: Làm việc khoa học; nghỉ ngơi hợp lý; ăn uống điều độ, hạn chế dùng nhiều chất béo, hạn chế dùng nhiều chất kích thích như rượu – bia - cà phê - thuốc lá; tập thể dục thường xuyên... có như vậy mới làm chậm quá trình lão hóa và gián tiếp phòng bệnh THA.

Ít vận động thể lực (lối sống tĩnh tại): lối sống tĩnh tại cũng được coi là một nguy cơ của bệnh THA. Việc vận động hằng ngày đều đặn từ 30 đến 45 phút mang lại lợi ích rõ rệt trong giảm nguy cơ bệnh tim mạch nói chung và bệnh THA nói riêng.

Có nhiều stress (căng thẳng, lo âu quá mức): nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng căng thẳng thần kinh, stress làm tăng nhịp tim. Dưới tác dụng của các chất trung gian hóa học là Adrenalin, noradrenalin làm động mạch bị co thắt dẫn đến tăng huyết áp. Vì vậy, mỗi người cần rèn luyện cho mình tính tự lập, kiên nhẫn và luôn biết làm chủ bản thân trước mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Có như vậy mới có thể hạn chế tối đa mọi stress đồng thời cũng chính là phòng bệnh THA.

Ăn mặn: Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều muối (Natri chlorua) thì tần suất mắc bệnh tăng huyết áp tăng cao rõ rệt. Người dân ở vùng biển có tỷ lệ mắc bệnh THA cao hơn nhiều so với những người ở đồng bằng và miền núi. Ở những gia đình có tiền sử THA, thói quen ăn nhiều muối ngay từ khi còn bé có nguy cơ bị tăng huyết áp khi trưởng thành. Nhiều bệnh nhân THA ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn chế độ giảm muối là có thể hạ được huyết áp về bình thường. Chế  độ ăn giảm muối là một biện pháp quan trọng để điều trị  cũng như phòng bệnh THA. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu ăn nhạt < 5 gam muối/ngày sẽ giảm huyết áp trung bình từ  4-8 mmHg.

Chế độ ăn ít rau xanh quả tươi: Các nghiên cứu cho thấy một chế độ ăn nhiều rau xanh (cung cấp nhiều kali) kèm với ăn ít mỡ bão hòa (chế độ ăn DASH) giúp giảm huyết áp tâm thu 8-14 mmHg. Ăn mỗi ngày > 400g rau xanh và quả tươi sẽ giúp phòng chống tưng huyết áp và bệnh tim mạch.

Hút thuốc lá, thuốc lào: trong thuốc lá, thuốc lào có nhiều chất kích thích, đặc biệt có chất nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm làm co mạch và gây THA. Nhiều nghiên cứu cho thấy hút một điếu thuốc lá có thể làm tăng huyết áp tâm thu lên tới 11 mmHg và huyết áp tâm trương lên 9mmHg và kéo dài trong 20-30 phút. Vì vậy nếu không hút thuốc lá cũng là biện pháp phòng bệnh THA.

Đái tháo đường: ở người bị đái tháo đường, tỷ lệ bệnh nhân bị THA cao gấp đôi so với người không bị đái tháo đường. Khi có cả THA và đái tháo đường sẽ làm tăng gấp đôi biến chứng mạch máu lớn và nhỏ, làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong so với bệnh nhân THA đơn thuần. Vì vậy, nếu bị bệnh đái tháo đường cần điều trị tốt bệnh này sẽ góp phần khống chế được bệnh THA kèm theo.

Rối loạn lipid máu: Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu. Chúng thường được gọi là các thành phần mỡ của máu hay chính xác hơn là Lipid máu. Nồng độ Cholesterol máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa động mạch và dần dần làm hẹp lòng các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Động mạch bị xơ vữa sẽ kém đàn hồi và cũng chính là yếu tố gây THA. Cholesterol toàn phần bao gồm nhiều dạng Cholesterol trong đó được nghiên cứu nhiều nhất là Cholesterol trọng lượng phân tử cao (HDL-C) và Cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL-C). Nồng độ LDL-C trên 3,0mmol/dl là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Ngược lại, HDL-C được xem là có vai trò bảo vệ. Hàm lượng HDL-C trong máu cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp (tối thiểu cũng phải cao hơn 1,0 mmol/dl). Vì vậy cần ăn chế độ giảm lipid máu sẽ giúp phòng bệnh tim mạch nói chung và bệnh THA nói riêng. Chú ý trong khẩu phần ăn hàng ngày, không nên ăn: mỡ và phủ tạng động vật. Nên ăn nhiều rau và hoa quả tươi. Chú ý ăn cá tươi (ít nhất 2 lần/tuần) vì có nhiều tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch.

Thừa cân, béo phì: cân nặng có quan hệ khá rõ với tăng huyết áp, người béo phì hay người tăng cân theo tuổi cũng làm tăng nhanh huyết áp vì vậy chế độ làm việc, ăn uống hợp lý và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ tránh dư thừa trọng lượng cơ thể, đồng thời cũng cũng là biện pháp rất quan trọng để giảm nguy cơ gây tăng huyết áp, nhất là ở những người cao tuổi.

Uống nhiều bia, rượu: uống rượu, bia quá mức  cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch nói chung và bệnh THA nói riêng. Đối với những người phải dùng thuốc để điều trị THA thì  uống rượu, bia  quá mức hoặc nghiện rượu sẽ làm mất tác dụng của thuốc hạ áp như vậy làm cho bệnh càng nặng hơn. Ngoài ra, uống rượu, bia quá mức còn gây bệnh xơ gan và các tổn thương thần kinh nặng nề khác từ đó gián tiếp gây THA. Uống nhiều rượu bia cũng là nguyên nhân gây thừa cân béo phì ( bung bia ).Vì vậy, nên hạn chế uống rượu, bia. Mỗi người, mỗi ngày uống không được quá 1 đơn vị cồn (tương đương  30ml rượu mạnh, hoặc 50ml rượu vang hoặc 300ml bia) và mỗi tuần uống không quá 5 ngày.

¤  Hãy thực hiện thay đổi lối sống để phòng chống Tăng huyết áp và  bệnh tim mạch. Bao gồm: 

  • Giảm cân nặng (nếu thừa cân).
  • Không hút hoặc  ngừng  hút thuốc lá, thuốc lào.
  • Không ăn nhiều chất béo bão hòa (mỡ động vật, thức ăn chiên rán ở nhiệt độ cao) thay thế bằng chất béo không bão hòa (có trong dầu ăn, cá).
  • Không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn, không ăn thực phẩm chế biến sẵn).
  • Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
  • Hạn chế uống rượu bia.
  • Tránh các căng thẳng, lo âu, nên tự tạo cho mình một cuộc sống hài hòa, vui vẻ.
  • Kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình.
  • Kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác (rối loạn đường máu, lipid máu…) để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ đó.