Sử dụng máy đo huyết áp tại cộng đồng

12/28/2018  00:00

Tác giả: GS.TS.Nguyễn Lân Việt - Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai.

Tăng huyết áp (THA) là gì?

THA là khi huyết áp tâm thu (HA tối đa) ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (HA tối thiểu) ≥ 90mmHg.

Huyết áp bao nhiêu là bình thường?

Trị số huyết áp phụ thuộc vào áp lực bơm máu của tim, sức co dãn của thành mạch máu và lượng máu trong cơ thể. Trị số huyết áp bình thường dao động từ 90/60 – 139/89mmHg (là trị số huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương) và thay đổi thường xuyên tuỳ theo các trạng thái thời gian, hoạt động thể lực và cảm xúc.

Làm thế nào để phát hiện THA?

Đo huyết áp là phương pháp đơn giản và duy nhất để phát hiện THA.

Để đo huyết áp được chính xác, điều trước tiên phải bảo đảm là máy đo phải có chất lượng tốt. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại máy đo huyết áp: huyết áp kế thủy ngân, huyết áp kế đồng hồ, huyết áp kế điện tử. Trong đó huyết áp kế thủy ngân là loại huyết áp chính xác nhất, huyết áp kế đồng hồ và huyết áp kế điện tử sau quá trình sử dụng phải được định kỳ kiểm tra và hiệu chỉnh lại. Trong các loại huyết áp kế điện tử dành cho người bệnh tự theo dõi ở nhà, có các máy đo cổ tay và đo cánh tay... Hội Tim mạch học Việt Nam chỉ khuyến cáo sử dụng máy đo huyết áp điện tử có băng cuốn ở cánh tay cho bệnh nhân tự đo huyết áp. Tuy nhiên khi mua nên so sánh kết quả đo từ huyết áp kế điện tử với huyết áp kế đồng hồ hoặc huyết áp kế thuỷ ngân xem có tương đương không. Trong thời gian sử dụng cũng phải kiểm tra pin định kỳ. Không làm máy rơi rớt hay va đập mạnh, không làm ướt máy. Nếu không dùng trong một thời gian dài, thì phải tháo pin ra, cất máy nơi khô mát.

Tại sao nên tự theo dõi huyết áp tại nhà?

Một tỷ lệ khoảng 9-16 % dân số có hiện tượng “THA áo choàng trắng”, tức là khi bệnh nhân tiếp xúc và được đo huyết áp bởi nhân viên y tế thì huyết áp luôn cao, trong khi nếu tự theo dõi huyết áp tại nhà hoặc đeo Holter huyết áp (theo dõi huyết áp trong suốt 24h) thì huyết áp lại trong ngưỡng bình thường. Do vậy, tự theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp chẩn đoán được hiện tượng này.

Mặt khác, đối với những bệnh nhân bị THA, việc tự theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp nâng cao ý thức trong điều trị bệnh; giúp người thầy thuốc có thể đánh giá tốt hơn tác dụng của các thuốc điều trị, từ đó có những điều chỉnh cần thiết để đạt được mức huyết áp mục tiêu cho người bệnh.

Tự theo dõi huyết áp như thế nào?

–Mỗi người nên có một cuốn sổ nhỏ ghi lại ngày giờ và kết quả đo, gồm: huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa); huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) và nhịp tim (mạch, thường có biểu tượng trái tim trên máy).

– Không nên đo quá nhiều lần trong ngày nếu không cần thiết. Có thể đo vào mỗi sáng hay tối tuỳ theo đặc điểm từng người; hoặc đo khi có triệu chứng bất thường như chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, mệt…

Làm gì trước khi đo?

  1. Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5-10 phút trước khi đo huyết áp.
  2. Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ.

Tư thế đo thế nào là đúng?

  1. Tư thế đo chuẩn: người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên mặt bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng. Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.
  2. Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.
  3. Bề dài bao đo (nằm trong băng quấn) tối thiểu bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Quấn băng quấn đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Túi hơi đặt ở mặt trước của cánh tay, sao cho ống nghe (được cấu tạo sẵn trong dây đo) nằm ngay trên động mạch cánh tay. Đặt máy ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.
  4. Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có con số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.
  5. Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg thì cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.
  6. Ghi lại số đo theo đơn vị mmHg dưới dạng HA tâm thu/HA tâm trương (ví dụ 126/82 mmHg), không làm tròn số quá hàng đơn vị và thông báo kết quả cho người được đo.

Kết quả đo nào phải gặp bác sĩ ngay?

Với những trường hợp sau thì nên đến gặp bác sĩ ngay, không tự uống thuốc hay ngồi chờ đến đúng ngày hẹn tái khám:

– Kết quả đo không phù hợp với triệu chứng hiện có. Chẳng hạn như bệnh nhân chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn… nhưng kết quả vẫn bình thường.
Kết quả đo được quá cao hay quá thấp.

Với người đang có bệnh THA, không nên tự đo và tự uống hay ngưng thuốc mà không đi tái khám trong thời gian dài, ngay cả khi kết quả cho thấy huyết áp ổn định.