Hút thuốc lá và trái tim của bạn

12/28/2018  00:00

Tác giả: PGS.TS.Nguyễn Thị Bạch Yến - Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai.

Hút là có hại với hầu nhự mọi cơ quan của cơ thể bao gồm, tim, mạch máu, phổi, mắt , miệng,  cơ quan sinh dục, xương, và các cơ quan tiêu hóa ...

Tại Mỹ cứ 5 người chết thì có 1 người là liên quan đến hút thuốc lá

1-Hút thuốc lá ảnh hưởng đến tim và các mạch máu như thế nào?.

Chỉ riêng hút thuốc lá cũng đã là một yếu tố  độc lập, quan trọng gây ra các bệnh lý tim mạch. Nhưng ở những người có kèm theo các nguy cơ khác như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì hoặc người có yếu tố gia đình bị bệnh tim mạch thì tác hại của thuốc lá sẽ gấp lên rất nhiều lần chứ không chỉ đơn thuần là tác dụng cộng.

Chúng ta thường chỉ biết đến chất Nicotine là chất có hại trong thuốc lá, nhưng thực chất Nicotin chỉ là một trong 4000 thành phần có hại tìm thấy được trong thuốc lá.

Trong bài này chúng tôi tập trung nói về tác hại của hút thuốc lá đối với tim mạch.

Tác động tức thời của hút thuốc lá đối với tim mạch

Khi hút thuốc lá, ngay lập tức nồng độ chất Cathecholamine ( một  chất nội tiết có vai trò kích thích hệ thống thần kinh giao cảm của cơ thể) và chất carbon monoxid (CO). trong máu tăng lên. Các chất này có thể làm khởi phát những cơn đau ngực hoặc làm nặng thêm bệnh tim khác. Mặt khác, nồng độ Nicotine tăng trong máu cũng gây co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim làm tim phải làm việc nhiều hơn hoặc cũng có thể gây ra những rối loạn nhịp tim.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, mức độ ảnh hưởng đến tim mạch cũng tăng theo mức độ hút thuốc lá, tức là càng hút nhiều, hút lâu, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao.

Hút thuốc lá gây vữa xơ động mạch

Hút thuốc lá là một tác nhân làm tăng nhanh quá trình vữa xơ động mạch từ đó gây ra các bệnh lý tim mạch như: Tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, tai biến mạch não, bệnh động mạch ngoại vi...

Hút thuốc lá  gây ra vữa xơ động mạch theo nhiều cơ chế: Trước hết nó làm tăng nồng độ chất carbon monoxid (có nhiều trong thuốc lá), chất này làm tổn thương sự toàn vẹn mềm dẻo của lòng mạch tạo điều kiện cho hình thành nhanh mảng xơ vữa; Hút thuốc làm giảm chất HDL-cholesterol (cholesterol có lợi) và làm tăng nồng độ LDL-cholesterol (cholesterol có hại) và tăng triglycerid (mỡ máu) góp phần gây tăng tình trạng vữa xơ động mạch.

Thêm vào đó, hút thuốc cũng làm  tăng khả năng đông máu vì vậy sẽ dễ hình thành cục máu đông trên cơ sở mảng xơ vữa. Chính đây là một trong nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim, gây đột quỵ não.

Hút thuốc cũng làm cho lớp tế bào nội mạc mạch (lớp tế bào lát trong thành mạch) bị tổn thương, mất tính trơn nhẵn đàn hồi, từ đó sẽ dễ dàng hình thành mảng xơ vữa dưới lớp nội mạc.

Hút thuốc với bất kỳ mức đô nào kể cả hút it hoặc thingr thoảng hút cũng đều có hại cho tim và mạch máu. Đối với một số người, như phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai, người mắc bệnh tiểu đường, hút thuốc lại càng có ảnh hưởng cao hơn đối với tim và mạch máu.

Hút thuốc lá thụ động là gì và có hại không?

Hút thuốc thụ động là khi chúng ta hít phải khói bốc ra từ đầu đốt của thuốc lá, xì gà hoặc điếu cày, cũng như là khói mà người đang hút thuốc thở ra. Trong khói thuốc bay ra này cũng có chứa nhiều hóa chất độc hại tương tự như khói mà người hút thuốc hít vào khi hút.

Hút thuốc thụ động cũng làm ảnh hưởng đến tim và mạch máu của những người không hút thuốc tương tư như tác hại của hút thuốc lá gây ra cho những người hút thuốc. Hút thuốc thụ động là nguyên nhân quan trong làm tăng nguy cơ đau tim và tử vong ở người lớn.

Các thống kê cho thấy so với người không tiếp xúc với khói thuốc, người hút thuốc lá bị động có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn tới 30%. Trong số đó, hút thuốc lá bị động ở công sở cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch đến 4 lần và nếu ở gia đình thì còn làm tăng lên nhiều nữa. Bên canh đó người ta cũng thấy rằng nếu người hút thuốc lá bị động mà tránh khỏi được môi trường thuốc lá thì cũng giảm được nguy cơ mắc bệnh đáng kể như người hút thuốc lá bỏ hút thuốc lá vậy.

Hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai cho trẻ em và thanh thiếu niên vì nó gây ra Giảm HDL - cholesterol ( được gọi là cholesterol "tốt"), Tăng huyết áp, Tổn thương mô cơ tim.

Tác hại của khói thuốc lá đặc biệt cao đối với trẻ sinh non mắc hội chứng suy hô hấp và trẻ có các bệnh như hen suyễn.

Kết quả các nghiên cứu cũng thấy rằng cotinine, một chất chuyển hoá của nicotine có thể qua rau thai dễ dàng gây ảnh hưởng đến thai nhi nếu người mẹ có hút thuốc lá. Những đứa trẻ mà có bố mẹ hút thuốc lá dễ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp hơn. Phụ nữ hút thuốc lá mang thai dễ xảy thai, đẻ non, hoặc trẻ đẻ thiếu cân. Nhiều nghiên cứu cho thấy: hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ – hoặc chết trong nôi  (SIDS) xảy ra nhiều hơn ở trẻ có mẹ hút thuốc khi mang thai.

  1. Lợi ích của việc bỏ thuốc lá và tránh hút thuốc thụ động?

Một trong những cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tim là tránh khói thuốc lá. Đừng bao giờ bắt đầu hút thuốc. Nếu bạn đã hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Cho dù bạn hút bao nhiêu hay bao lâu, bỏ thuốc lá đều có lợi cho bạn.

Ngoài ra, cố gắng tránh khói thuốc. Không đến những nơi được phép hút thuốc. Yêu cầu bạn bè và các thành viên gia đình không hút thuốc trong nhà và trong xe hơi.

Bỏ hút thuốc sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong vì bệnh tim mạch. Theo thời gian, bỏ thuốc cũng sẽ làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và cục máu đông.

Nếu bạn hút thuốc và đã bị bệnh tim, bỏ hút thuốc sẽ giảm nguy cơ đột tử do tim, nhồi máu cơ tim tái phát và tử vong do các bệnh mãn tính khác.

Các nghiên cứu cho thấy, khi dừng hút thuốc lá làm tăng nồng độ HDL-cholesterol và giảm LDL-cholesterol trong máu và làm giảm tốc độ hình thành xơ vữa động mạch

 

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát quần thể nhứng nơi cấm hút thuốc (tại nơi làm việc và ở những nơi công cộng). Kết quả cho thấy số lượng các nhồi máu cơ tim trong các cộng đồng này giảm khá nhiều. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng những kết quả này là do giảm hút thuốc chủ động và giảm tiếp xúc với khói thuốc lá.

Tổng kết các nghiên cứu đánh giá hiệu quả của việc bỏ hút thuốc, theo dõi sau   16 năm cho thấy, so với người không hút thuốc, những người bỏ hút thuốc nguy cơ mắc bệnh tim mạch giảm xuống chỉ còn 1,3 thấp hơn đáng kể so với người tiếp tục hút nguy cơ là 2,0 lần. Bên cạnh đó, việc bỏ hút thuốc lá ở người chưa từng có biểu hiện của bệnh tim mạch sẽ giảm nguy cơ bệnh tim mạch về sau một cách rất rõ ràng. Còn đối với người đã bị bệnh tim mạch thì việc bỏ hút thuốc lá làm giảm nguy cơ tái phát bệnh hoặc làm nặng bệnh.

Ở những người đã hút thuốc lá trong một giai đoạn dài (nhiều chục năm) thì khi bỏ hút thuốc lá vẫn có lợi ích đối với việc giảm nguy cơ của bệnh tim mạch. Việc bỏ hút thuốc lá thậm chí còn có lợi ích giảm đàng kể tỷ lệ bệnh tim mạch ngay trong những ngày đầu tiên. Theo báo cáo của Ban sức khoẻ Hoa kỳ về lợi ích của bỏ hút thuốc lá thì việc bỏ thuốc lá đã làm giảm đi một nửa các biến cố bệnh tim mạch trong năm đầu và sau khi bỏ 10 năm thì nguy cơ chỉ còn gần tương tự như ở người chưa từng hút thuốc.

Một số người hút thuốc lá lo ngại rằng: khi bỏ thuốc lá sẽ làm tăng cân và như vậy có ảnh hưởng ngược lại đến sức khoẻ không? Việc tăng cân này là do khi bỏ hút thuốc lá người ta thấy ngon miệng hơn hoặc thường thấy cần phải ăn uống gì đó để quên đi cảm giác thèm hút thuốc lá. Thêm vào đó chuyển hoá sẽ tăng khi có Nicotine và khi ngừng hút thuốc lá thì chuyển hoá cơ thể sẽ giảm đi. Tăng cân ở người đang thiếu cân thì càng tốt cho sức khoẻ. Còn đối với người đang thừa cân mà tăng cân thì chúng ta cũng đã biết: lợi ích của bỏ hút thuốc lá sẽ là rất vượt trội nếu so với việc tăng cân tức thời ngay sau khi bỏ hút thuốc lá. Hơn nữa, chúng ta có thể lập kế hoạch giảm cân sau khi bỏ hút thuốc lá như: ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn hàng ngày, làm việc điều độ...vì vây chúng ta không cần phải suy nghĩ, băn khoăn nhiều.  Hãy ngừng hút thuốc lá càng sớm càng tốt.

Bỏ hút thuốc lá là hoàn toàn có thể, tuy có thể có khó khăn. Thực tế hàng triệu người đã bỏ hút thuốc thành công và sau đó vẫn duy trì không hút thuốc.

Hiện đã có một loạt các chiến lược, chương trình và thuốc để giúp bạn bỏ thuốc lá.

Không hút thuốc là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh để bảo vệ cho tim mạch. Một lối sống lành mạnh cho tim cũng bao gồm ăn uống lành mạnh cho tim, hướng tới cân nặng khỏe mạnh, kiểm soát căng thẳng và tăng cường hoạt động thể chất.