Thừa cân béo phì - hiểm họa của tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch

12/28/2018  00:00

Tác giả: PGS.TS.Nguyễn Thị Bạch Yến - Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai.

Thừa cân và béo phì đang có xu hướng phổ biến và tăng nhanh trong cộng đồng, là một trong những vấn đề nổi cộm ở các nước phát triển và có xu hướng tăng mạnh ở các nước đang phát triển. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2016 trên thế giới tỷ lệ thừa cân, béo phì là  39% ở nữ giới và 39% ở nam giới từ  18 tuổi trở lên, tỷ lệ này ở trẻ em và thanh thiếu niên ( 5 -19 tuổi) là 18%. Tại Việt Nam số người thừa cân béo phì đang ngày càng gia tăng ở cả trẻ em và người lớn. Theo kết quả nghiên cứu của cục Y tế dự phòng Bộ Y tế thì tỷ lệ thừa cân béo phì ở nước ta hiện nay là 25%.

Người bị béo phì ngoài thân hình nặng nề, khó coi... còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh như rối loạn lipit máu, tăng huyết áp và các bệnh lý Tim mạch, sỏi mật, đái tháo đường, bệnh xương khớp... và ung thư.

Béo phì được coi là bệnh của người nghèo ở các nước phát triển và người giàu của các nước đang phát triển. Với các nước đang phát triển, như Việt Nam, thừa cân - béo phì cũng đang dần trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe.

Béo phì có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ?

Một loạt các bệnh lý sau đây đã được biết rõ là có liên quan đến thừa cân - béo phì:

  • Tăng huyết áp: Béo phì làm tăng nguy cơ bị bệnh Tăng huyết áp lên 12 lần so với bình thường.
  • Bệnh động mạch vành (đau thắt ngực), nhồi máu cơ tim, có thể đột tử. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành lên 4 lần so với bình thường.
  • Suy tim ứ huyết (do nhu cầu ô xy và các chất dinh dưỡng của người béo phì tăng quá cao làm tìm phải tăng công suất, gây dày thành tim và dẫn đến suy tim)
  • Tai biến mạch não (đột quỵ): Béo phì làm tăng nguy cơ bị đột quỵ lên 6 lần so với người bình thường.
  • Viêm khớp đặc biệt là khớp háng và khớp gối vì đây là những nơi bị tác động nhiều của trọng lượng cơ thể
  • Đái tháo đường (type 2): Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường lên 6 lần so với bình thường.
  • Rối loạn mỡ (lipid) máu.
  • Cơn ngừng thở khi ngủ (Sleep apnea).
  • Tăng tỷ lệ ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, đại tràng...

Thế nào là béo phì?

Có hai dạng béo phì, ở dạng thứ nhất, mỡ thừa thường tập trung tại vùng bụng và thường gặp ở nam giới (gọi là "bụng bia" hay người hình quả táo). Dạng thứ hai được đặc trưng bởi sự tích lũy mỡ nhiều ở vùng mông và đùi, thường gặp ở phụ nữ (người hình quả lê).

Kiểu béo phì ở bụng có liên quan với sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành và đột qụy. Các nhà khoa học khuyến cáo, nếu bạn là nam giới, tốt nhất không nên để vòng bụng vượt quá 90% vòng mông, nếu bạn là phụ nữ, hãy cố gắng duy trì con số này dưới 80%.

Hiện nay, Tổ chức y tế thế giới thườg dùng Chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) để nhận định tình trạng gầy béo.

BMI (là chỉ số khối cơ thể )  được tính theo công thức

BMI= Trọng lượng cơ thể (kg)/[chiều cao (m)]2,

Hiệp hội Đái tháo đường Đông Nam Á năm 2001 thống nhất đánh giá thừa cân, bép phì theo BMI như sau:

+ Thiếu cân: BMI < 18,5

+ Bình thường: BMI từ 18,5 - 22,9

+ Thừa cân: BMI từ 23 - 24,9

+ Béo phì độ I: BMI từ 25 - 29,9

+ Béo phì độ II: BMI ≥ 30

Những nguyên nhân dẫn đến thừa cân và béo phì là gì?

Có nhiều yếu tố góp phần trong việc tăng cân. Các yếu tố này bao gồm chế độ ăn uống, thiếu tập thể dục, các yếu tố môi trường và di truyền.  Viện Tim, Phổi và Máu Hoa Kỳ (NHLBI) đưa ra một số nguyên nhân gây thừa cân và béo phì sau đây:

Chế độ Ăn uống  và hoạt động thể lực

Mọi người đều tăng cân khi họ ăn nhiều calo hơn so với số Calo bị đốt cháy khi hoạt động thể lực. Sự mất cân bằng này là đóng góp lớn nhất cho việc tăng cân.

Yêu tố Môi trường

Môi trường, xã hôi xung quanh cũng ảnh hưởng đến khả năng duy trì cân nặng khỏe mạnh của chúng ta. Cu thể là

- Tình trạng không có công viên, vỉa hè để đi bộ, giá cả khá cao của các phòng tập thể dục, các điều này  khiến mọi người khó có thể hoạt động thể chất.

- Hiện tượng khẩu phần ăn sẵn quá lớn so với trước đây, làm lượng calo ăn vào tăng lên (vị dụ ở mỹ một xuất khoai tây chiên cách đây 20 năm chỉ khoáng 210 calo thì nay đã tăng tới  610 calo) mà để đốt cháy được 400 calo (tăng lên này) chúng ta cần phải đi bộ khoảng 2h20 phút.

-Một số người không có đủ khả năng để mua thực phẩm sạch  như trái cây và rau quả tươi.

-Tình trạng quảng cáo thực phẩm đã khuyến khích mọi người mua thực phẩm không lành mạnh, chẳng hạn như các đồ ăn nhiều chất béo và đồ uống có đường.

Yếu tố Di truyền học:

Nghiên cứu cho thấy di truyền cũng đóng một vai trò trong béo phì. Các gen có thể trực tiếp gây ra béo phì trong các rối loạn như hội chứng Prader-Willi. Các gen cũng có thể góp phần làm cho một người dễ bị tăng cân.

Tuy nhiên các nhà khoa học khẳng định rằng gen có thể làm tăng khả năng bị béo phì của một người, nhưng đều cần có thêm các  yếu tố bên ngoài như ăn quá nhiều hoặc ít hoạt động thể chất mới đủ điều kiện để cho một người  tăng cân.

Tình trạng  sức khỏe và thuốc

Một số bệnh về nội tiết có thể gây ra thừa cân và béo phì, chẳng hạn như bệnh suy tuyến giáp, hội chứng Cushing và hội chứng buồng trứng đa nang.

Một số loại thuốc cũng có thể gây tăng cân, các thuốc này bao gồm  corticosteroid, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống động kinh.

Căng thẳng, yếu tố cảm xúc và giấc ngủ kém

Một số người có thể ăn nhiều hơn bình thường khi buồn chán, tức giận, buồn bã hoặc căng thẳng.

Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng người càng ít ngủ thì họ càng dễ bị thừa cân hoặc béo phì. Điều này là do khi ngủ một số  hormone được giải phóng ra có tác dung kiểm soát sự thèm ăn và kiểm soát sự dụng năng lượng của cơ thể.

 

 

Phòng chống thừa cân – béo phì như thế nào?

Việc này đòi hỏi nghị lực rất lớn. Rất gian khổ và dễ chán nản vì kết quả không thấy ngay trước mắt và lại các thức ăn giàu năng lượng lại như những cám dỗ mang tính bản năng.

Hãy kiên trì và tập trung.Vấn đề rất quan trọng là bạn cần có một chương trình hành động cụ thể với những mục tiêu thiết thực cho từng giai đoạn. Và bạn cần phải hiểu rằng:

  • Bạn có thể giảm cân được.
  • Việc giảm cân sẽ làm thay đổi rõ rệt chất lượng cuộc sống và sức khoẻ của bạn.
  • Bạn đừng vội nghĩ tới một thân hình lý tưởng.
  • Bạn đã thành công khi bạn đã nâng cao được sức khoẻ của bạn!

Vậy thì, tôi đang bị béo phì và tôi đã sẵn sàng tích cực để giảm béo, tôi sẽ phải làm gì đây?

  • Trước hết hãy đặt cho mình những mục tiêu thực tế.
  • Nếu bạn đang tăng cân thì hãy tìm cách dừng ngay. Thậm chí bạn chỉ bị tăng 1-2 cân cũng hết sức cảnh giác.
  • Nếu bạn thực sự đã thừa cân thì nên đặt kế hoạch giảm khoảng 10-15% và giữ như vậy. Tốt nhất là nên giảm cân khoảng 4-6 lạng trong một tuần là hợp lý để duy trì được mức dinh dưỡng cầnthiết cho cơ thể. Nếu giảm quá nhanh cũng có thể gây ra vấn đề cho cơ thể của bạn.
  • Hãy bắt đầu bằng cách tập thể dục đều đặn, khoảng 30-45 phút mỗi ngày và tất cả các ngày trong tuần. Không nên bắt đầu tập quá nặng và nên bắt đầu bằng đi bộ hoặc hình thức thể dục vừa phải thích hợp mà bạn thấy chịu đựng tốt.
  • Hãy học cách ăn uống hợp lý (xem bài chế độ ăn).
  • Hãy kiên trì và đừng chán nản, vì kết quả và lợi ích của việc giảm cân không phải nhìn thấy ngay trước mắt.

Nên chọn chế độ giảm cân như thế nào?

Có  rất nhiều chế độ ăn được đề xuất để giảm cân chống béo phì. Việc chọn chế độ ăn uống phải dựa trên hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Đôi khi cũng nên hỏi ý kiến tư vấn của bác sỹ. Tuy nhiên, cần lưu ý những nguyên tắc cơ bản như sau:

  • Béo phì là một tình trạng mạn tính nhưng có thể khống chế được bằng kế hoạch ăn uống hợp lý.
  • Rất dễ bị béo phì hoặc tăng cân trở lại sau những đợt thực hiện chế độ tích cực giảm cân. Do vậy, phải luôn kiên trì và giữ gìn chế độ liên tục.
  • Không có một chế độ nào hoặc thuốc nào là kỳ diệu để có thể làm giảm cân và chống béo phì như ý muốn mà chi có sự kiên trì và nghị lực mới có thể giảm được cân và giữ được cân nặng.

Chế độ ăn ít chất béo có ý nghĩa gì?

  • Những nghiên cứu lớn và theo dõi lâu dài đã chứng minh rõ ràng là chế độ ăn ít chất béo đã có tác dụng rõ ràng trong việc làm giảm tỷ lệ bệnh lý tim mạch (bệnh động mạch vành và tăng huyết áp). Tuy nhiên, một vấn đề còn bàn cãi là chế độ ăn với tỷ lệ chất béo thế nào thì thích hợp? Nếu chúng ta ăn quá ít chất béo thì cơ cấu bữa ăn sẽ trở nên không cân đối và cơ thể phải đièu chỉnh bằng chuyển hoá các chất khác sang chất béo gây ra những rối loạn chuyển hoá. Bởi vì, chất béo rất cần để cung cấp năng lượng và tông hợp một số chất quan trọng của cơ thể đặc biệt là các chất nội tiết. Một số nghiên cứu cho rằng nên có chế độ ăn khoảng 10% chất béo.

 

Chế độ ăn chay thì sao?

  • Đây là chế độ ăn bao gồm các thức ăn nguồn gốc từ thực vật với rất ít chất béo, nhiều chất tinh bột và nhiều chất xơ. Chế độ ăn này có lợi cho tim mạch nhưng có thể gây thiếu năng lượng, protein và tương đối khó thực hiện cũng như không phải phổ biến để có thể theo đuổi lâu dài.
  • Một số tác giả còn đề cập đến chế độ ăn kiều Địa trung hải với đặc trưng nhiều cá hoặc chế độ ăn lỏng. Tuy nhiên, các chế độ này khó phổ biến và cầu kỳ.

Vậy tôi có thể ăn nhiều hơn không khi tôi đã tập thể dục đều?

  • Xin trả lời là Không. Thể dục là công việc bắt buộc trong lộ trình giảm cân nhưng nếu chỉ tập thể dục mà không có chế độ ăn kiêng thì cũng sẽ không có ích gì, thậm chí có thể còn làm bạn tăng cân nhanh hơn vì thể dục đã giúp chuyển hoá thức ăn dễ hơn và bạn ăn ngon miệng hơn.

Các nghiên cứu đã khuyên nên tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút hàng ngày trong tuần. Việc đó làm tiêu hao khoảng 700-1000 calories trong vòng một tuần và bạn cần thiêu đốt khoảng 3500 calories để giảm được nửa cân.

Vai trò của phẫu thuật trong giảm cân?

Đã có vài kỹ thuật được ứng dụng để giảm cân nhưng cũng có những nguy cơ nhất định. Nói chung, việc phẫu thuật chỉ đặt ra khi bệnh nhân quá béo.

Lời khuyên cho việc phòng chống thừa cân – béo phì

Béo phì có xu hướng ngày càng phổ biến. Nó thực sự là mối nguy hiểm về sức khoẻ chứ không phải chỉ đơn thuần là vấn đề thẩm mỹ hoặc sự thổi phồng.

Không có một phương cách kỳ diệu nào để giảm cân nhanh chóng mà chỉ có sự quyết tâm bền bỉ mới là bí quyết thành công. Nó là vấn đề lâu dài và cần phải giải quyết liên tục.

Việc giảm cân ở người béo phì chắc chắn làm giảm được nguy cơ bệnh tật (đặc biệt bệnh tim mạch) và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Không có một mục tiêu giảm cân nào được coi là thống nhất. Tuỳ từng thể trạng và nói chung nên đặt mục tiêu ban đầu giảm 10% trọng lượng sau đó tiếp tục cho đến mức trọng lượng lý tưởng.

Các thuốc giảm cân không được khuyến cáo dùng một cách thường quy và thường là “lợi bất cập hại”.

 Tài liệu tham khảo

  1. National Heart, Lung, and Blood Institute. (2012). What causes overweight and obesity? Retrieved August 8, 2012, from http://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/overweight-and-obesity
  2. Centers for Disease Control and Prevention. (2012). Overweight and obesity: Causes and consequences. Retrieved August 8, 2012, from http://www.cdc.gov/obesity/adult/causes/index.html