Dự án phòng, chống bệnh tim mạch - Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thị Bạch Yến
1. TƯ VẤN THAY ĐỔI HÀNH VI
Thông điệp chính: Tư vấn thay đổi hành vi là một phương pháp hiệu quả, hỗ trợ các cá nhân trong thực hiện lối sống lành mạnh. |
Bảng 1. Hướng dẫn về tư vấn thay đổi hành vi
(Theo Khuyến cáo của Hội Tim mạch Châu Âu 2016)
1.1. Phương pháp “Nhận thức thay đổi hành vi”:
Phương pháp “Nhận thức thay đổi hành vi”là phương pháp can thiệp nhằm thay đổi nhận thức cho mỗi người, nâng cao hiểu biết, tạo động lực và hỗ trợ để người đó thay đổi hành vi, thực hiện lối sống lành mạnh.
Lối sống của mỗi người thường dựa trên những khuôn mẫu hành vi đã có từ trước. Các khuôn mẫu hành vi này bị chi phối rất nhiều bởi các yếu tố môi trường và xã hội. Do vậy, các yếu tố về cá nhân và môi trường là một trong những rào cản quan trọng đối với việc thực hiện lối sống lành mạnh của mỗi người. Mặt khác, những lời khuyên phức tạp, khó hiểu của người thân hoặc nhân viên y tế cũng gây khó khăn cho việc thực hành áp dụng lối sống lành mạnh. Ngược lại, sự tương tác thân thiện, tích cực sẽ giúp mỗi cá nhân nâng cao khả năng đối mặt với bệnh tật và tuân thủ các biện pháp thay đổi lối sống.
Một khâu quan trọng để giúp một người thay đổi hành vi là phải nắm được những suy nghĩ, lo lắng, kiến thức, kinh nghiệm và hoàn cảnh trước đây của người đó. Thực hiện tư vấn cho từng cá nhân là nền tảng để tạo động lực thúc đẩy thay đổi hành vi. Việc đưa ra quyết định can thiệp thay đổi hành vi nên được thảo luận giữa nhân viên y tế với bệnh nhân (bao gồm cả vợ hoặc chồng và gia đình của bệnh nhân).
Khi thực hiện tư vấn nên áp dụng 8 nguyên tắc giao tiếp hiệu quả (bảng 6.2), điều này sẽ hỗ trợ cho việc thay đổi hành vi đạt hiệu quả cao.
Bảng 2. Nguyên tắc giao tiếp hiệu quả trong tư vấn thay đổi hành vi
(Theo khuyến cáo của ESC 2016 về dự phòng bệnh tim mạch)
1. Dành đủ thời gian với từng cá nhân để tạo mối quan hệ thân thiện (chỉthêm vài phút cũng có thể tạo ra sự khác biệt). |
2. Cần quan tâm đến nhận thức của mỗi cá nhân về bệnh và những yếu tố nguy cơ gây bệnh của bản thân họ. |
3. Khuyến khích mỗi cá nhân thể hiện mối quan tâm, sự lo lắng của họ, đánh giá khả năng tự tạo động lực để thay đổi hành vi cũng như khả năng thành công của việc thay đổi hành vị. |
4. Trao đổi riêng với từng cá nhân để họ tự nói lên vấn đề của mình và ủng hộ mọi cải thiện trong lối sống của họ. |
5. Đặt câu hỏi cho mỗi cá nhân để kiểm tra xem họ hiểu được lời khuyên hay chưa, và có cần sự hỗ trợ nào không để giúp họ tuân thủ. |
6. Mọi người cần hiểu rằng việc thay đổi thói quen là suốt đời,thay đổi dần dần từng bước một thì sẽ bền vững hơn những thay đổi nhanh chóng. |
7. Có thể có nhiều người cần được hỗ trợ trong một thời gian dài và do vậyviệctư vấn, hỗ trợ cần được lặp đi lặp lại để khuyến khích và duy trì thay đổi lối sống. |
8. Cần đảm bảo chắc chắn rằng tất cả các cán bộ y tế đều cung cấp các thông tin chính xác, phù hợp. |
Cần xây dựng các chiến lược “Nhận thức thay đổi hành vi”, bao gồm các bước: Đánh giá kiến thức của mỗi cá nhân về việc thay đổi hành vi (suy nghĩ, thái độ và niềm tin), đánh giá điều kiện môi trường (các yếu tố liên quan đến thay đổi hành vi), từ đó xây dựng chiến lược thay đổi hành vị cho mỗi cá nhân.
Các biện pháp can thiệp thay đổi hành vi như“Phỏng vấn tạo động lực” sẽ giúp làm tăng động lực và sự tự chủ của mỗi cá nhân trong thay đổi hành vi.
Việc không thành công trong những cố gắng thay đổi hành vi trước đây thường là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự thay đổi của mỗi cá nhân. Một khâu quan trọng nữa là cần giúp mỗi cá nhân thiết lập các mục tiêu cụ thể, hiện thực, kết hợp với tự theo dõi việc thay đổi các hành vi mà họ đã lựa chọn. Thay đổi dần từng bước nhỏ, liên tục là chìa khóa để đạt được thay đổi hành vi dài hạn.
Việc đào tạo về cách thức tư vấn cho các nhân viên y tế là rất quan trong. “Mười bước chiến lược” (Bảng 6.3) có thể giúp nâng cao chất lượng tư vấn thay đổi hành vi.
1.2. Can thiệp thay đổi hành vi đa phương thức:
Can thiệp thay đổi hành vi đa phương thức là sự kết hợp kiến thức và kỹ năng của các cán bộ Y tế thuộc nhiều lĩnh vực (như bác sĩ, y tá, nhà tâm lý học, chuyên gia về dinh dưỡng, phục hồi chức năng tim mạch và y học thể thao...) để cùng hỗ trợ người bệnh. Can thiệp đa phương thức sẽ giúp tối ưu hóa các nỗ lực phòng ngừa.
Can thiệp đa phương thức được đặc biệt khuyến cáo cho những người có nguy cơ rất cao. Những can thiệp này bao gồm thúc đẩy một lối sống lành mạnh thông qua thay đổi hành vi (bao gồm chế độ dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể lực, tập thư giãn, kiểm soát cân nặng và một chương trình cai thuốc lá cho người hút thuốc), kèm theo đó là tăng cường điều trị bệnh, cải thiện tuân thủ điều trị. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến tâm lý xã hội (căng thẳng, cô lập xã hội và các cảm xúc tiêu cực) là một trong các rào cản đối với sự thay đổi hành, vì vậy cần được xem xét giải quyết khi thực hiện tư vấn cá nhân hoặc tư vấn nhóm.
Bằng chứng cho thấy các can thiệp sâu và lâu dài sẽ giúp duy trì lâu dài việc thay đổi hành vi cũng như cải thiện tiên lượng. Những người có tình trạng kinh tế xã hội thấp, người già, nữ giới có thể cần các chương trình riêng, phù hợp để đáp ứng nhu cầu cụ thể của họ về thông tin và cảm xúc.
Bảng 3. Mười bước chiến lược để hỗ trợ thay đổi hành vi
(Theo khuyến cáo của ESC 2016 về dự phòng bệnh tim mạch)
Mười bước chiến lược để hỗ trợ thay đổi hành vi |
1. Hình thành một liên kết thân thiện trong quá trình tư vấn. |
2. Tư vấn cho tất cả các cá nhân có nguy cơ hoặc đã có biểu hiện bệnh. |
3. Hỗ trợ để mỗi cá nhân hiểu được mối liên quan giữa hành vi với sức khỏe của họ. |
4. Giúp các cá nhân đánh giá các rào cản đối với sự thay đổi hành vi. |
5. Có được các cam kết từ các cá nhân về việc thay đổi hành vi của họ. |
6. Các cá nhân cần tham gia trong việc xác định các YTNC của họ và lựa chọn cácYTNCnào cần được thay đổi. |
7. Kết hợp nhiều chiến lược, bao gồm cả việc củng cố năng lực của từng cá nhân trong việc thay đổi hành vi. |
8. Lên kế hoạch thay đổi hành vi. |
9. Phối hợp thêm sự hỗ trợ của nhân viên y tế thuộc lĩnh vực khác bất cứ khi nào có thể. |
10. Theo dõi tiến trình thay đổi hành vị của mỗi cá nhân thông qua các phương tiện liên lạc (như điện thoại, thư điện tử...). |
2. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ về tâm lý xã hội
Thông điệp chính:
- Kiểm soát các yếu tố nguy cơ về tâm lý xã hội có thể giúp giảm stress, trầm cảm, lo âu, giúp thúc đẩy thay đổi hành vi và cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như tiên lượng. - Sự tương tác giữa nhân viên y tế (người tư vấn) và bệnh nhân nên tuân theo các nguyên tắc của giao tiếp đó là lấy bệnh nhân làm trung tâm. Bên cạnh đó cần quan tâm đến các vấn đề tâm lý xã hội riêng theo tuổi và giới. |
Bảng 4. Khuyến nghị về kiểm soát các yếu tố nguy cơ về tâm lý xã hội
(Theo khuyến cáo của ESC 2016 về dự phòng bệnh tim mạch)
Trong thực hành lâm sàng, những người trong gia đình hoặc người bảo hộ là người duy nhất có thể hỗ trợ trực tiếp bệnh nhân về kiểm soát các yếu tố nguy cơ tâm lý xã hội ở những người có nguy cơ cao hoặc đã có bệnh tim mạch. Giao tiếp với thái độ thông cảm, kiên nhẫn giúp thiết lập và duy trì mối quan hệ đáng tin cậy và là nguồn hỗ trợ mạnh mẽ và chuyên nghiệp giúp bệnh nhân đối phó với các yếu tố gây căng thẳng tâm lý xã hội, trầm cảm, lo âu, các yếu tố nguy cơ tim mạch và bệnh tim mạch.