Cơn tăng huyết áp cấp cứu: dấu hiệu nhận biết và cách thức xử trí

12/26/2022 10:45:21 AM  10:45

Tác giả: ThS.BS. Nguyễn Anh Quân - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai

Cơn tăng huyết áp cấp cứu là gì?

Cơn tăng huyết áp cấp cứu được định nghĩa khi huyết áp tâm thu cao trên 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương cao trên 120 mmHg kèm theo một trong các triệu chứng tổn thương cơ quan trong cơ thể như đau đầu, nhìn mờ, khó thở, đau ngực, yếu hoặc liệt nửa người…

Các nguyên nhân thường gặp gây ra cơn tăng huyết áp cấp cứu

  • Người bệnh tăng huyết áp không được điều trị.
  • Người bệnh tăng huyết áp điều trị không thường xuyên hoặc bỏ điều trị.
  • Người bệnh tăng huyết áp bị căng thẳng tâm lý hoặc bị mất ngủ.
  • Người bệnh tăng huyết áp bị chấn thương hoặc tai nạn.
  • Tăng huyết áp có nguyên nhân (u tuỷ thượng thận…)

Tổn thương cơ quan đích hay gặp trong cơn tăng huyết áp cấp cứu

  • Não: xuất huyết nội sọ, xuất huyết dưới nhện, bệnh não tăng huyết áp, nhồi máu não…
  • Tim: suy tim trái cấp, phù phổi cấp, nhồi máu cơ tim cấp…
  • Mắt: bệnh võng mạc ác tính…
  • Thận: suy thận cấp…
  • Mạch máu: tách thành động mạch chủ…
  • Phụ nữ mang thai: tiền sản giật, sản giật.

Các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng trong cơn tăng huyết áp cấp cứu

Tuỳ thuộc vào cơ quan đích nào bị tổn thương như đã đề cập ở phần trên mà trong cơ tăng huyết áp cấp cứu, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu, triệu chứng sau trên lâm sàng:

  • Nhìn mờ hoặc thị lực thay đổi
  • Đau đầu
  • Nôn, buồn nôn
  • Lú lẫn
  • Co giật
  • Tê hoặc yếu liệt nửa bên người hoặc chỉ một tay hoặc một chân
  • Nói khó
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Đau lưng hoặc giữa hai vai
  • Tiểu nâu hoặc tiểu máu,…

Xử trí cơn tăng huyết áp cấp cứu

Cơn tăng huyết áp cấp cứu cần được xử trí sớm tại bệnh viện bằng thuốc hạ huyết áp đường tĩnh mạch để giảm tiến triển tổn thương cơ quan và ổn định huyết áp. Ngoài ra tại bệnh viện, người bệnh cũng sẽ được điều trị ngay lập tức các tổn thương cơ quan nếu cơn tăng huyết áp gây hậu quả trên các cơ quan đó. Vì vậy, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu càng sớm càng tốt. Khi thấy có người trong tình trạng cơn tăng huyết áp cấp cứu, những người xung quanh hãy nhanh chóng gọi số 115 để được hướng dẫn cách thức xử trí tuỳ từng trường hợp cụ thể và được vận chuyển an toàn tới bệnh viện.

Cách phòng cơn tăng huyết áp cấp cứu

  • Phát hiện sớm và điều trị tăng huyết áp theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc.
  • Không được bỏ thuốc điều trị tăng huyết áp ngay cả khi huyết áp đang ổn định.
  • Tránh lo lắng, căng thẳng.
  • Thay đổi lối sống: bỏ hút thuốc lá, thuốc lào; luyện tập thể dục thể thao thường xuyên: mỗi ngày ít nhất 30 phút, ít nhất 5 ngày/tuần; chế độ ăn giảm muối (không ăn mặn), nhiều rau xanh, hạn chế mỡ và phủ tạng động vật,…

Tài liệu tham khảo

  • Patient education: High blood pressure emergencies (The Basics). Uptodate.com