Những lưu ý với người bệnh tim mạch trong mùa lạnh

12/24/2022 10:44:05 AM  10:44

Tác giả: ThS.BS. Nguyễn Anh Quân - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai

1. Người bệnh tim mạch cần tiếp tục tuân thủ tốt phác đồ điều trị và theo dõi tình trạng sức khoẻ của bản thân. Căn cứ vào tình hình thời tiết và lịch hẹn của bác sĩ để có kế hoạch tái khám phù hợp, tránh để bị ngừng/hết thuốc.

Lưu ý khi theo dõi sức khoẻ:

  • Trái ngược với mùa hè nóng huyết áp thường giảm do mạch máu giãn ra để thoát nhiệt qua mồ hôi, giảm thể tích tuần hoàn, mùa lạnh mạch máu thường co lại để tránh mất nhiệt khiến huyết áp có xu hướng tăng. Chính vì vậy, người bệnh cần thực hiện tốt việc đo huyết áp tại nhà theo hướng dẫn để bác sĩ có thể điều chỉnh nếu cần thiết.
  • Nếu có các dấu hiệu bất thường như tức ngực, khó thở hay nhiễm trùng (sốt, ho khạc đờm, rối loạn tiêu hoá, rối loạn đi tiểu, …) cần đến ngay cơ sở y tế hoặc liên hệ với bác sĩ đang theo dõi bệnh để đi khám sớm vì tình trạng bệnh tim mạch như suy tim, bệnh lý động mạch vành, … có thể diễn biến nhanh và tiến triển nặng.

2. Về chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện:

- Cần ăn uống đủ chất, đồ ấm nóng, uống đủ nước (mùa lạnh thời tiết thường hanh khô, không mất mồ hôi nên nhiều người bệnh, nhất là người cao tuổi thường uống không đủ nước khiến thể tích tuần hoàn giảm, có thể gây suy thận, hạ huyết áp, …).

- Tuy nhiên, cần tránh thói quen ăn mặn cho “khoẻ người”, “đỡ lạnh”, … vì thực tế chế độ ăn mặn, nhiều muối sẽ làm tăng thể tích tuần hoàn, tăng huyết áp, đồng thời gây xơ vữa, vôi hoá thành mạch máu. Theo điều tra STEPS của tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 2015, hiện người Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 9,4 gram muối/ngày, cao gần gấp đôi so với mức được khuyến cáo.

- Với đa phần người bệnh tim mạch, việc tập luyện thể dục ở cường độ trung bình khoảng 30-60 phút/ngày, phần lớn các ngày trong tuần (4-7 ngày) được khuyến cáo. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết lạnh có thể cần có 1 số điều chỉnh như lùi thời gian tập luyện buổi sáng sớm, tránh tập luyện ngoài trời trong những ngày trời giá rét hay ô nhiễm không khí, nhiều bụi mịn, đặc biệt cần giữ ấm cơ thể.

3. Bên cạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ y tế, gần đây đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng có lợi của việc tiêm vaccine phòng cúm có thể làm giảm các biến cố tim mạch như IVVE, IAMI hay DANFLU-1 (hình minh hoạ ở dưới)… Do vậy, người bệnh tim mạch nên cân nhắc tiêm vaccine phòng cúm để giúp kích thích sinh miễn dịch, tăng sức đề kháng và hạn chế nguy cơ bệnh diễn biến nặng.

Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai