Những điều cần biết về rung nhĩ

12/22/2022 9:04:08 AM  09:04

Tác giả: PGS. TS. Phạm Mạnh Hùng - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai

Rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ là bệnh lý rối loạn nhịp tim xuất phát từ tâm nhĩ khi các hoạt động điện đồng bộ bị thay thế bằng các hoạt động điện hỗn loạn, dẫn đến sự co bóp mất đồng bộ và làm giãn tâm nhĩ. Xung động điện hình thành rất nhanh (thường > 400 lần/phút) và không đều.

Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp nhất ở người trưởng thành với tỷ lệ 2-4 %, khoảng 43,6 triệu người trên thế giới (năm 2016).

Tỷ lệ mắc rung nhĩ tăng theo tuổi, khoảng gần 10 % người trên 80 tuổi mắc rung nhĩ, tỷ lệ mắc rung nhĩ tăng gấp 10 lần ở nhóm trên 65 tuổi.

Khi bị rung nhĩ, hai buồng tâm nhĩ không còn co bóp nhịp nhàng mà “rung lên” nên bơm máu không hiệu quả. Đồng thời việc các xung điện hình thành một cách hỗn loạn khiến đáp ứng co bóp của các buồng tim cũng trở nên không đều, loạn nhịp hoàn toàn, ở một số người bệnh có đáp ứng tần số tim rất nhanh và có thể là một trong các nguyên nhân thúc đẩy quá trình suy giảm chức năng tim.

Bên cạnh đó, chính sự hoạt động điện học hỗn loạn và co bóp thiếu hiệu quả của các tâm nhĩ là nguyên nhân chính dẫn tới hình thành các cục máu đông trong buồng tim. Các cục máu đông này có thể đi theo dòng máu và gây tắc mạch các cơ quan, trong đó biến chứng thường gặp nhất chính là tắc các mạch máu não gây đột quỵ thiếu máu não, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh.

Nguyễn nhân rung nhĩ

Rung nhĩ có thể xuất hiện một cách đơn độc và tự phát mà không có bất kì nguyên nhân nào. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp rung nhĩ thường đi kèm với các bệnh lý tim mạch. Các nguyên nhân thường gặp là:

  • Bệnh van tim hậu thấp như: hẹp, hở van hai lá; hẹp, hở van động mạch chủ...
  • Suy tim
  • Bệnh động mạch vành và các bệnh lý liên quan xơ vữa động mạch
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Bệnh cơ tim, viêm cơ tim...
  • Tăng huyết áp
  • Đái tháo đường
  • Bệnh lý tuyến giáp
  • Bệnh phổi mạn tính
  • Ngừng thở khi ngủ

Triệu chứng của rung nhĩ

Một trong các triệu chứng khá thường gặp ở các người bệnh rung nhĩ đó là cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh và không đều, cảm giác mệt và hụt hơi. Trong những trường hợp nhịp tim nhanh có thể có biểu hiện choáng, thỉu,...

Một số ít các trường hợp rung nhĩ biểu hiện đầu tiên bằng các biến chứng của rung nhĩ như đột quỵ não, suy tim, tắc mạch hệ thống. Tùy thuộc vào từng biến chứng cụ thể người bệnh có thể có các triệu chứng khác nhau như ngất, liệt nửa người, nói khó, khó thở, giảm khả năng gắng sức, …

Không ít các trường hợp rung nhĩ không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng do cơ thể người bệnh đã “thích nghi” với tình trạng loạn nhịp; tuy nhiên, những trường hợp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng dài hạn của rung nhĩ do bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Chính vì các biến chứng nặng nề liên quan đến rung nhĩ và hậu quả của nó, người bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị thích hợp để phòng ngừa các hậu quả xấu về sau. Người bệnh nguy cơ cao như có bệnh lý van tim từ trước, suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính,… cần được đi khám định kì để sàng lọc rối loạn nhịp.

Trong khi đó, người bệnh đã được chẩn đoán rung nhĩ cần được theo dõi và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Chẩn đoán và điều trị bệnh rung nhĩ

Hiện nay các kĩ thuật chẩn đoán ngày càng phát triển giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác cơn rung nhĩ và các nguyên nhân gây bệnh.

Tại các cơ sở khám chuyên khoa tim mạch, người bệnh có thể cần làm một số xét nghiệm máu chuyên sâu, điện tâm đồ, siêu âm tim để chẩn đoán bệnh. Trong nhiều trường hợp người bệnh cần theo dõi điện tim lâu dài để chẩn đoán các cơn rung nhĩ ngắn, tần suất xuất hiện thưa thớt như kĩ thuật ghi điện tim 24 giờ, kĩ thuật cấy máy theo dõi nhịp tim liên tục (thời gian theo dõi lên tới 3 – 4 năm).

Quá trình điều trị cần phải đảm bảo tuân thủ đúng phác đồ và quy trình theo dõi của bác sĩ. Mục tiêu điều trị hướng tới 3 vấn đề chính :

  • Điều trị dự phòng đột quỵ do tắc mạch bằng các thuốc chống đông nếu cần.
  • Điều trị giảm triệu chứng bằng các thuốc/phương pháp kiểm soát tần số thất và chuyển nhịp.
  • Điều trị các bệnh lý đi kèm.

Điều trị dự phòng đột quỵ do tắc mạch

Là một trong các phương pháp điều trị cơ bản và thiết yếu nhất nhằm hạn chế biến chứng tắc mạch hệ thống (đặc biệt là đột quỵ não) ở người bệnh rung nhĩ.

Người bệnh cần phải được đánh giá nguy cơ tắc mạch trước khi sử dụng thuốc. Bác sĩ lâm sàng sẽ quyết định người bệnh có cần phải sử dụng thuốc chống đông hay không tùy thuộc vào nguy cơ tắc mạch của người bệnh. Việc sử dụng thuốc chống đông đường uống cũng cần đảm bảo lộ trình liên tục và theo dõi thường xuyên, đặc biệt trong các trường hợp sử dụng thuốc kháng Vitamin K để hạn chế tối đa các tác dụng phụ của thuốc trong đông trong trường hợp sử dụng kéo dài, nhất là các biến chứng liên quan đến chảy máu trong khi sử dụng thuốc. Hiện nay, các thuốc chống đông đường uống mới đã được chứng minh hiệu quả tương đương hoặc hơn thuốc chống đông kháng Vitamin K trong dự phòng tắc mạch cùng với nhiều ưu điểm khác, đang ngày càng được sử dụng rộng rãi.

Nếu vì bất cứ lý do nào mà người bệnh rung nhĩ không thể uống thuốc chống đông thì có thể có các biện pháp dự phòng huyết khối thay thế như bít tiểu nhĩ trái bằng dụng cụ hay phẫu thuật nội soi khâu, thắt tiểu nhĩ trái...

Kiểm soát tần số tim và nhịp tim

Kiểm soát tần số tim có nghĩa là khống chế nhịp tim ở mức cho phép bằng thuốc để giảm các triệu chứng liên quan đến nhịp nhanh do rung nhĩ mang lại.

Trong khi đó, kiểm soát nhịp là đưa nhịp trở về nhịp bình thường bằng các phương pháp khác nhau như sốc điện chuyển nhịp, chuyển nhịp bằng thuốc, và mới đây nhất là các phương pháp triệt đốt rung nhĩ bằng sóng có tần số Radio, bằng bóng áp lạnh (cryoballon), laser... đã được chứng minh hiệu quả cao trong chuyển nhịp và duy trì nhịp tim bình thường cho người bệnh. Bên cạnh đó ,các phương pháp triệt đốt cũng chứng minh được hiệu quả cải thiện tiên lượng ở những người bệnh suy tim có kèm rung nhĩ.

Điều trị các bệnh lý đi kèm

Các bệnh lý đi kèm thường gặp như bệnh van tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, bệnh mạch vành, bệnh phổi mạn tính cần được kiểm soát chặt chẽ để làm giảm nguy cơ chung của bệnh, cải thiện tiên lượng và chất lượng cuộc sống, hạn chế các biến chứng và rung nhĩ tái phát.

Chế độ sinh hoạt ở người bệnh rung nhĩ

Chế độ ăn ở người bệnh rung nhĩ cần lưu ý một số điểm chủ yếu liên quan tới các tương tác thuốc mà người bệnh đang sử dụng, đặc biệt là nhóm thuốc chống đông kháng Vitamin K. Người bệnh cần hỏi kĩ bác sĩ của mình để có tư vấn tốt nhất. Tập thể dục đều đặn và trong giới hạn sức khỏe cho phép dưới sự tư vấn của nhân viên ý tế cũng giúp nâng cao thể trạng chung, cải thiện huyết áp và sức khỏe tim mạch.

Nói tóm lại, phác đồ điều trị rung nhĩ sẽ không giống nhau ở các người bệnh  khác nhau, tùy thuộc vào bệnh lý đi kèm, nguyên nhân gây rung nhĩ, nguy cơ tắc mạch của người bệnh , nguồn lực vốn có tại cơ sở khám chữa bệnh. Bác sĩ lâm sàng sẽ quyết định phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh và phác đồ này cần được tuân thủ chặt chẽ cũng như theo dõi định kì để điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết. Tất cả các trường hợp hợp tự điều chỉnh thuốc hay tự dừng thuốc đều không nên vì có thể sẽ là nguyên nhân gây ra các biến chứng và hậu quả nặng nề liên quan đến bệnh.

Kỹ thuật triệt đốt rung nhĩ
A, B, C: triệt đốt bằng năng lượng sóng có tần số Radio.
D: triệt đốt bằng bóng áp lạnh (Cryoballon)

Một số biện pháp tuân thủ điều trị thuốc chống đông ở người bệnh rung nhĩ