Tác giả: PGS. TS. Phạm Mạnh Hùng - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai
Viêm cơ tim là gì?
Viêm cơ tim là tình trạng viêm của cơ tim. Tình trạng này có thể làm giảm khả năng co bóp của cơ tim và gây ra các rối loạn nhịp tim cấp tính, nguy hiểm.
Virus là căn nguyên hàng đầu gây viêm cơ tim, ngoài ra có thể do các loại nhiễm khuẩn khác, hoặc do phản ứng với một số thuốc. Triệu chứng của viêm cơ tim gồm có: đau ngực, mệt mỏi, khó thở, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp tim.
Viêm cơ tim nặng có thể gây suy tim, nặng hơn có thể gây sốc tim. Ngoài ra, có thể hình thành huyết khối trong buồng tim dẫn đến tai biến tắc mạch não hoặc nhồi máu cơ tim.
Biện pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Triệu chứng của viêm cơ tim
Các triệu chứng và dấu hiệu của viêm cơ tim rất đa dạng, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng thường gặp gồm có:
- Đau ngực.
- Nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp tim.
- Khó thở khi nghỉ ngơi hoặc khó thở khi gắng sức.
- Phù chân.
- Mệt mỏi.
- Các triệu chứng khác của nhiễm virus như: đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau khớp, sốt, đau họng, tiêu chảy.
Đôi khi, triệu chứng của viêm cơ tim có thể giống với nhồi máu cơ tim. Vì vậy, nếu bạn có biểu hiện đau ngực và khó thở, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh.
Nguyên nhân gây viêm cơ tim
Đa số các trường hợp không xác định được nguyên nhân gây bệnh. Các căn nguyên tiềm ẩn gồm có:
- Các bệnh truyền nhiễm do virus (adenovirus, virus viêm gan B và C, parvovirus, herpes virus, COVID-19, HIV…), vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm...
- Dị ứng hoặc ngộ độc thuốc: có thể do phản ứng với các thuốc điều trị ung thư, kháng sinh, thuốc chống động kinh, hay một số chất cấm như cocaine.
- Hóa chất hoặc phóng xạ: phơi nhiễm với một số hóa chất như carbon oxide (CO), hoặc phơi nhiễm với phóng xạ.
- Một số bệnh lý khác: một số bệnh hệ thống như Lupus, xơ cứng bì, viêm mạch tế bào khổng lồ, viêm mạch Takayasu...
Biến chứng của viêm cơ tim
Đa số các trường hợp viêm cơ tim sẽ hồi phục mà không có biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ viêm cơ tim nặng có thể gây ra các tình trạng sau:
- Suy tim: nếu không được điều trị, viêm cơ tim có thể gây suy giảm chức năng tim, giảm khả năng co bóp của cơ tim. Những trường hợp suy tim nặng có thể phải cần đến các thiết bị hỗ trợ tuần hoàn hoặc phải ghép tim.
- Đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim: khi cơ tim giảm khả năng co bóp có thể dẫn đến hình thành các cục máu đông trong buồng tim, từ đây cục máu đông có thể di chuyển gây tắc các mạch máu lớn như mạch não, mạch vành, gây ra đột quỵ não hoặc nhồi máu cơ tim cấp.
- Tim đập nhanh hoặc loạn nhịp tim: tổn thương cơ tim có thể gây ra các rối loạn nhịp tim nghiêm trọng.
- Đột tử: một số rối loạn nhịp tim có thể làm tim ngừng đập dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Chẩn đoán viêm cơ tim
Việc chẩn đoán sớm viêm cơ tim là rất quan trọng để phòng ngừa các biến chứng tim lâu dài. Các xét nghiệm để chẩn đoán viêm cơ tim gồm có:
- Điện tâm đồ: có thể được thực hiện đơn giản, nhanh chóng, giúp phát hiện các biến đổi về hoạt động điện của tim và các rối loạn nhịp tim.
- Siêu âm tim: cho biết các thông số về hình dạng, kích thước, cấu trúc, khả năng co bóp của cơ tim, xác định các vấn đề về van tim, huyết khối trong buồng tim, dịch màng ngoài tim nếu có.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: ngoài hình dạng, kích thước, cấu trúc, chức năng tim, MRI tim còn xác định được dấu hiệu viêm của cơ tim.
- Xét nghiệm máu: cho biết mức độ tăng của các enzymes liên quan đến tổn thương cơ tim. Ngoài ra, các xét nghiệm máu khác có thể phát hiện kháng thể kháng virus liên quan đến viêm cơ tim.
- Thông tim và sinh thiết cơ tim: bác sỹ có thể dùng một ống thông nhỏ đưa qua đường mạch máu vào buồng tim để khảo sát huyết động, đồng thời có thể lấy mẫu sinh thiết cơ tim để chẩn đoán.
Điều trị
Bao gồm điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng/biến chứng của viêm cơ tim.
- Điều trị nội khoa: người bệnh nhẹ chỉ cần nghỉ ngơi và dùng thuốc.
- Corticoid: chỉ có một số ít thể viêm cơ tim do virus như viêm cơ tim tế bào khổng lồ và viêm cơ tim tế bào ưa acid có thể cải thiện với corticoid hoặc các thuốc ức chế hệ miễn dịch khác.
- Các thuốc tim mạch: tùy theo triệu chứng của người bệnh, có thể phải sử dụng các thuốc điều trị suy tim như nhóm thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II, thuốc chẹn beta giao cảm, lợi tiểu. Nếu có rối loạn nhịp tim thì cần dùng các thuốc chống rối loạn nhịp. Nếu có nguy cơ cao hình thành huyết khối trong buồng tim thì cần dùng các thuốc chống đông máu.
- Thuốc điều trị bệnh lý nền: nếu viêm cơ tim do các bệnh lý mạn tính như Lupus, cần tiếp tục điều trị ổn định bệnh lý đó.
- Phẫu thuật và thủ thuật: nếu người bệnh bị viêm cơ tim thể nặng sẽ cần điều trị rất tích cực, có thể có các biện pháp điều trị sau:
- Các thuốc vận mạch: các thuốc này được truyền đường tĩnh mạch, giúp tăng khả năng co bóp của tim.
- Các dụng cụ hỗ trợ tuần hoàn: đây là các loại thiết bị được đặt vào trong buồng tim, giúp bơm máu từ tim đi nuôi cơ thể. Dụng cụ này được dùng cho những ca suy tim nặng, với mục đích duy trì sự sống trong thời gian chờ cơ tim phục hồi hoặc chờ ghép tim.
- Bóng đối xung nội động mạch chủ (IABP): đây là dụng cụ được đặt theo đường động mạch đùi vào động mạch chủ, bóng sẽ bơm và xả nhịp nhàng theo hoạt động của tim, giúp tăng cung lượng tim và giảm gánh nặng cho tim.
- Hệ thống trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO): được sử dụng cho những trường hợp viêm cơ tim nặng có sốc tim. Máu được rút ra khỏi cơ thể vào máy ECMO, tại đây máu được trao đổi khí, thải CO2 và bổ sung oxy vào máu, sau đó máu này được đưa trở lại cơ thể. Như vậy, máy ECMO sẽ làm thay công việc của tim, giúp tim nghỉ ngơi trong thời gian chờ phục hồi hoặc chờ ghép tim.
- Ghép tim: nếu viêm cơ tim nặng không có khả năng phục hồi, người bệnh sẽ cần được ghép tim.
Lưu ý: đa số trường hợp viêm cơ tim sẽ phục hồi hoàn toàn và chỉ cần dùng thuốc trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp viêm cơ tim để lại những di chứng mạn tính không phục hồi được hoàn toàn như suy tim thì sẽ cần dùng thuốc lâu dài. Những trường hợp này sẽ cần được thăm khám và theo dõi định kỳ.
Phòng bệnh
Không có biện pháp đặc hiệu để phòng bệnh viêm cơ tim. Tuy nhiên, nên phòng ngừa các bệnh lý truyền nhiễm bằng các biện pháp sau:
- Tránh tiếp xúc với những người đang bị nhiễm virus hoặc có biểu hiện giống cúm cho đến khi họ khỏi bệnh.
- Thực hành vệ sinh tốt: thường xuyên rửa tay sạch có thể phòng chống lây nhiễm.
- Tránh những hành vi nguy cơ cao để giảm khả năng nhiễm HIV: tình dục an toàn, không tiêm chích ma túy.
- Tránh để bị côn trùng cắn, đốt.
- Tiêm phòng vaccine đầy đủ, đặc biệt là vaccine phòng cúm, COVID-19, rubella.
Khi nào cần thăm khám bác sỹ?
Nếu bạn có các triệu chứng của viêm cơ tim, đặc biệt là đau ngực và khó thở, bạn cần phải liên hệ với bác sỹ hoặc đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa Tim mạch để được thăm khám và chẩn đoán. Nếu các triệu chứng nặng, trầm trọng, cần nhập viện cấp cứu vì viêm cơ tim có thể tiến triển nặng rất nhanh chóng.