Dấu hiệu nhận biết suy tim mạn tính

12/25/2022 10:47:59 AM  10:47

Tác giả: ThS.BS. Nguyễn Anh Quân - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai

Thế nào là suy tim và suy tim mạn tính?

Suy tim là tình trạng bệnh lý trong đó tim không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu oxy cho các hoạt động của cơ thể.
Suy tim mạn tính là tình trạng suy tim tiến triển theo thời gian. Khác với suy tim cấp diễn biến đột ngột và nhanh, suy tim mạn tính diễn ra từ từ trong thời gian dài, ngày càng nặng hơn nếu như không có biện pháp kiểm soát tốt.

Suy tim mạn tính có thường gặp không?

Năm 2019, ước tính có khoảng 26 triệu người trên toàn thế giới bị suy tim. Tính cộng gộp cả Mỹ và châu Âu, mỗi năm có khoảng 1 triệu trường hợp nhập viện với chẩn đoán chính là suy tim. Hiện nay, tỷ lệ mắc suy tim ở châu Âu khoảng 3/1000 người (tất cả các nhóm tuổi) hoặc khoảng 5/1000 người ở người lớn. Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi: từ khoảng 1% ở những người dưới 55 tuổi đến 10% ở những người từ 70 tuổi trở lên.
Tại Việt Nam, dù chưa có một nghiên cứu chính thức về tỷ lệ mắc bệnh suy tim, song theo tần suất mắc bệnh của thế giới, ước tính có khoảng 320.000 đến 1,6 triệu bệnh nhân bị suy tim.

Các dấu hiệu nhận biết suy tim mạn tính

Một điều đáng chú ý là trong giai đoạn đầu của suy tim mạn tính, người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào về sức khỏe của mình, gần như các triệu chứng rất mơ hồ và chỉ bộc lộ trong các hoạt động gắng sức như lao động nặng, chơi thể thao...
Khi suy tim tiến triển nặng dần theo thời gian, các triệu chứng bắt đầu bộc lộ rõ ràng hơn, đặc biệt là khó thở khi gắng sức. Suy tim càng nặng thì mức độ khó thở, mệt mỏi càng tăng. Người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu mỗi giai đoạn tiến triển của bệnh như dưới đây:

Các dấu hiệu ở đoạn sớm

- Khó thở xảy ra khi gắng sức: Người bệnh có cảm giác như bị hụt hơi, thở gấp, phải dừng các hoạt động lại để thở, triệu chứng sẽ giảm khi nghỉ ngơi.

- Mệt mỏi: Người bệnh nhận thấy những hoạt động thường ngày thực hiện một cách dễ dàng nhưng dần dần cảm thấy khó khăn và mau kiệt sức, nhất là vào cuối ngày.

- Hồi hộp, tim đập nhanh: Đây là dấu hiệu sớm, tuy nhiên không đặc hiệu, người bệnh có thể cảm thấy tim đập nhanh thường xuyên, đặc biệt sau các hoạt động gắng sức.

Các dấu hiệu ở giai đoạn tiến triển

Suy tim tiến triển nặng hơn, các triệu chứng biểu hiện rõ ràng và điển hình:

- Khó thở: Xuất hiện thường xuyên hơn, đặc biệt hay khó thở về đêm, ngay cả khi nghỉ ngơi hay chỉ gắng sức nhẹ, ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hằng ngày như leo cầu thang, đi bộ... Cơn khó thở cấp: Người bệnh cần đặc biệt lưu ý khi xuất hiện cảm giác đột ngột khó thở dữ dội, khó khăn khi hít vào thở ra, phải ngồi dậy thở, thở nhanh, có thể khạc cả bọt hồng từ phổi, đây là dấu hiệu cảnh báo cơn phù phổi cấp hoặc cơn hen tim, dấu hiệu này đặc biệt nguy hiểm và cần được cấp cứu kịp thời.

- Ho dai dẳng không rõ nguyên nhân, có thể là ho khan, khó khạc đờm. Tình trạng ho kéo dài làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, nhất là khi nằm, ngả lưng và bắt buộc phải ngồi dậy mới dễ chịu.

- Phù 2 chân với tính chất phù mềm, trắng, ấn lõm và không đau; giai đoạn đầu thường xuất hiện về chiều, khi đứng lâu và chủ yếu ở vùng thấp của chân và sẽ giảm bớt khi nằm xuống nghỉ ngơi hoặc vào lúc sáng sớm khi người bệnh mới ngủ dậy, về sau khi suy tim nặng hơn phù sẽ tăng lên, đôi khi phù toàn thân và xuất hiện suốt cả ngày, không giảm nếu không được điều trị.

- Tăng cân: Do tình trạng phù và ứ nước, người bệnh sẽ thấy tăng cân.

- Ngất xỉu, mất ý thức: Đây là dấu hiệu rất nghiêm trọng, thể hiện tình trạng suy tim rất nặng, chức năng tim suy giảm trầm trọng hoặc rối loạn nhịp nguy hiểm. đây là dấu hiệu cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay lập tức.

- Đột tử: Bệnh nhân suy tim mạn tính có nguy cơ đột tử cao hơn 6 đến 9 lần so với người bình thường, bệnh nhân có thể đột tử vì tình trạng suy tim nặng, rối loạn nhịp tim nguy hiểm, suy hô hấp cấp...

Các mức độ suy tim

Hiệp hội tim New York (New York Heart Association-NYHA), dựa trên sự đánh giá mức độ hoạt động thể lực và các triệu chứng cơ năng của bệnh nhân đã phân suy tim thành 4 mức độ (NYHA):

  • Độ 1: Người bệnh có bệnh tim nhưng không có triệu chứng cơ năng nào, vẫn sinh hoạt và hoạt động thể lực gần như bình thường
  • Độ 2: Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi gắng sức nhiều. Người bệnh bị giảm nhẹ các hoạt động về thể lực
  • Độ 3: Các triệu chứng cơ năng xuất hiện kể cả khi gắng sức rất ít, làm hạn chế nhiều các hoạt động thể lực. Suy tim độ 3 là giai đoạn bùng phát tất cả các triệu chứng của suy tim, bao gồm: Khó thở, mệt mỏi, ho, phù, tim nhanh, hồi hộp và xuất hiện đau ngực, nặng ngực nhiều hơn ở những người có bệnh động mạch vành.
  • Độ 4: Người bệnh gặp khó khăn trong  sinh hoạt thường ngày, thậm chí cả lúc nghỉ ngơi người bệnh khó thở. Ở giai đoạn này chất lượng sống suy giảm trầm trọng, người bệnh dễ tử vong vì các biến chứng cấp tính của suy tim gây ra.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thi, người bệnh suy tim có nguy cơ gì?

Người bệnh suy tim mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng suy tim tiến triển ngày càng nặng, chức năng tim ngày càng suy giảm, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Người bệnh có nguy cơ đột tử do các rối loạn nhịp tim nguy hiểm, hoặc suy hô hấp do tình trạng phù phổi cấp. Vì thế, bệnh lý suy tim cần phải được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, để làm chậm diễn tiến của quá trình suy tim.

Kết luận

Suy tim luôn là một vấn đề toàn cầu với những gánh nặng lớn về sức khỏe và bệnh tật. Dù nhiều biện pháp, thuốc mới ra đời nhưng tỷ lệ tử vong do suy tim vẫn ở mức báo động. Vì vậy, mỗi người cần có kiến thức cơ bản về các dấu hiệu suy tim mạn tính nhằm phát hiện và can thiệp kịp thời, không để cho suy tim tiến triển âm thầm đến giai đoạn cuối với những hậu quả nặng nề mà nó đem lại.