Triệu chứng thường gặp của bệnh động mạch chi dưới

12/22/2022 11:39:22 AM  11:39

Tác giả: PGS. TS. Phạm Mạnh Hùng - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh động mạch chi dưới là tình trạng bệnh lý xảy ra khi lòng động mạch bị tắc hoặc hẹp nhiều,  làm giảm cấp máu cho chân, gây ra các triệu chứng như đau, loét ngón, dẫn đến nguy cơ cắt cụt chi (chiếm tỷ lệ khoảng 3-4 % tổng số ca bệnh).

Nguyên nhân chính của bệnh là xơ vữa động mạch với các yếu tố nguy cơ như tuổi cao, hút thuốc, thừa cân/béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp... Xơ vữa động mạch là bệnh lý toàn thân nên ngoài triệu chứng ở chân và nguy cơ cắt cụt chi, hơn 60% người bệnh động mạch chi dưới có các biểu hiện khác ở não và/hoặc tim như đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp, cơn đau thắt ngực, tai biến mạch máu não thoáng qua…làm tăng nguy cơ tử vong.

Người bệnh mắc bệnh động mạch chi dưới thường than phiền về sự suy giảm khả năng vận động chi dưới ở các mức độ khác nhau, điển hình là những cơn đau cách hồi chi dưới (đau kiểu chuột rút ở một nhóm cơ vùng mông, đùi, bắp chân khi đi hoặc chạy được 1 quãng đường nhất định, đỡ hoặc hết khi nghỉ, rồi lại xuất hiện triệu chứng với quãng đường tương tự). Nặng hơn, chân bên bệnh đau cả khi nghỉ ngơi, tăng lên về đêm, bàn chân tím, lạnh, ngón chân rất dễ loét ngay cả khi chỉ bị xây xước nhỏ, các vết loét lâu liền sẹo, dẫn đến mưng mủ và hoại tử. Khi đó, ngoài các biện pháp điều trị về nội khoa hay can thiệp, phẫu thuật tái thông dòng máu, buộc phải xem xét khả năng cắt cụt để cứu tính mạng người bệnh.

Trên thực tế, nhiều bệnh nhân mắc bệnh động mạch chi dưới đến bệnh viện ở giai đoạn muộn do bị nhầm lẫn với biểu hiện của một số bệnh lý khác như đau thần kinh toạ, thoái hoá khớp, bệnh lý bàn chân đái tháo đường … Vì vậy, tất cả những người có nhiều nguy cơ bị xơ vữa động mạch, như:

  • Người dưới 50 tuổi kèm theo đái tháo đường và hút thuốc lá hoặc rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp
  • Người trong độ tuổi 50 đến 64 tuổi, có đái tháo đường hoặc hút thuốc lá hoặc yếu tố nguy cơ tim mạch khác
  • Người từ 65 tuổi trở lên
  • Người có đau chi dưới khi vận động (đau cách hồi), có bệnh động mạch vành, tiền sử đột quỵ do xơ vữa …

đều nên đi khám và sàng lọc chẩn đoán sớm bệnh động mạch chi dưới.

Bệnh động mạch chi dưới được chẩn đoán dựa vào hỏi và khám bệnh, bắt mạch chi dưới, đo chỉ số cổ chân-cánh tay (ABI), siêu âm Doppler mạch máu và một số phương pháp thăm dò hình ảnh hiện đại khác.

Sau khi có chẩn đoán chính xác, phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, người bệnh động mạch chi dưới sẽ được tư vấn các biện pháp điều trị phù hợp, bao gồm thay đổi lối sống, tập luyện, dùng thuốc, can thiệp nong và đặt giá đỡ (stent) động mạch hay phẫu thuật bắc cầu động mạch. Những biện pháp thay đổi lối sống, tập luyện sẽ giúp làm giảm yếu tố nguy cơ và góp phần cải thiện triệu chứng của bệnh:

  • Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào (quan trọng hàng đầu!).
  • Giảm cân nặng (nếu thừa cân, béo phì).
  • Chế độ ăn: không ăn mặn, hạn chế phủ tạng, mỡ động vật, tăng cường rau xanh, hoa quả, các loại sữa ít chất béo, dầu cá, dầu thực vật.
  • Tập luyện đều đặn, thường xuyên (đi bộ, đạp xe, …) giúp phát triển các mạch máu bàng hệ, cải thiện triệu chứng ở người bệnh đau cách hồi.

Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ điều trị, dùng thuốc theo hướng dẫn và tái khám định kỳ theo hẹn. Những phương pháp điều trị dân gian như đắp lá, tự bôi thuốc … có thể làm bệnh chẩn đoán muộn, chân bị thiếu máu trầm trọng và tăng nguy cơ cắt cụt chi.

Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị chẩn đoán và điều trị chuyên sâu các bệnh lý mạch máu, trong đó có bệnh động mạch chi dưới. Với thế mạnh về nguồn nhân lực là đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại, chúng tôi đã chẩn đoán và điều trị thành công cho nhiều trường hợp nặng, khó, đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.