Dự án phòng, chống bệnh tim mạch - Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế
Đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, thói quen ăn uống và sinh hoạt cũng thay đổi theo thời gian. Nhiều người ít vận động hơn, ăn uống nhiều loại đồ ăn có thể ảnh hưởng tới chuyển hóa của cơ thể. Theo số liệu mới nhất về thực trạng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành Việt Nam năm 2019 của Tổ chức y tế Thế giới và Bộ Y tế, tình trạng thừa cân, béo phì có khoảng 15,8% ở nam giới và 50,5% ở nữ giới. Thực trạng rối loạn mỡ máu cũng đáng báo động khi có tỷ lệ khoảng 38,9%. Nhiều người tin rằng một số loại thực phẩm sẽ giúp tốt cho tim mạch, một số loại khác có thể khiến sức khoẻ suy yếu. Liệu các quan niệm này đã thực sự chính xác hay chưa? Chúng tôi xin giải đáp một số câu hỏi trong quá trình khám và tư vấn người dân thường xuyên thắc mắc để giúp tăng cường hiểu biết cho cộng đồng.
1.Sô-cô-la là thực phẩm tốt cho tim mạch?
Các loại sô-cô-la được chế tạo từ nhiều thành phần khác nhau. Sô-cô-la đen giúp làm giảm Cholesterol máu và cung cấp nhiều chất chống oxy hoá. Ngược lại, sô-cô-la trắng và các loại tương tự lại chứa nhiều đường hơn và có thể gây ra các bệnh rối loạn chuyển hoá, không tốt cho tim mạch. 100 gram sô-cô-la đen chứa 11 gram chất xơ, 59% nhu cầu ma-giê và 67% nhu cầu sắt của cơ thể hàng ngày.
Chúng ta nên ăn một vài miếng sô-cô-la đen nhỏ mỗi ngày vì nếu ăn nhiều hơn, chúng ta sẽ có nguy cơ béo phì tăng lên.
Thành phần chính có lợi cho tim mạch của sô-cô-la đen là các Flavonoids. Đây là các hợp chất tự nhiều có nguồn gốc thực vật, có tác dụng thúc đẩy oxy hoá các lipoprotein có trọng lượng phân tử thấp.
2.Ăn tỏi giúp giảm mỡ máu?
Tỏi là gia vị phổ biến ở Việt Nam. Nhiều món ăn sử dụng tỏi để tạo nên hương vị chủ đạo. Tỏi rất giàu chất dinh dưỡng. Theo nghiên cứu, trong 100g tỏi có chứa 6,36g protein, 33g carbohydrates, 150g calo và các dưỡng chất như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie, photpho,...
Thành phần công hiệu chính trong tỏi là hợp chất hữu cơ sulfur và glycosides. Ngoài ra, trong tỏi còn có hàm lượng cao germanium và selen. Đặc biệt, hàm lượng germanium trong tỏi cao hơn so với các dược liệu như nhân sâm, trà xanh, trà đỏ,...
Tác dụng cơ bản của tỏi chủ yếu đến từ allicin. Trong tỏi tươi không có allicin tự do, chỉ có tiền chất của nó là alliin. Khi tỏi được băm nhuyễn, enzyme trong tỏi bị kích hoạt sẽ kích thích alliin hình thành allicin.
Khi ăn một lượng nhỏ tỏi, lượng Cholesterol trong máu sẽ giảm. Tuy nhiên, hiệu quả này vẫn còn đang được tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các bằng chứng mạnh mẽ hơn.
3.Cà phê không tốt cho tim mạch?
Một quả cà phê thông thường có 2 nhân số ít với 3 nhân. Thành phần nước bên trong nhân chiếm 10-12% , lipit chiếm 10-13% , các loại đường chiếm 5-10% , protein chiếm 9-11% , tinh bột chiếm 3-5% . Ngoài ra trong nhân còn chứa các chất thơm , các alkaloid.
Thành phần giàu lipid từ cà phê đun sôi có thể làm tăng nồng độ Cholesterol trong huyết thanh. Khi cà phê đun sôi được lọc, thành phần giàu lipid được giữ lại trong giấy lọc và không gây tăng Cholesterol máu.
Không khuyến khích uống cà phê đặc do có chứa nhiều Caffeine. Thành phần này chiếm từ 1-3% Phụ thuộc vào chủng loại cà phê, điều kiện khí hậu, điều kiện canh tác. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không xếp Caffeine vào nhóm các chất gây nghiện. Đến nay vẫn không có bằng chứng khoa học cho thấy Caffeine nguy hại đến sức khoẻ, ngay cả những trường hợp sử dụng thường xuyên Caffeine trong thời gian dài.
Ngoài ra caffeine còn được gọi là trimethylxanthine là một xanthine alkaloid có thể tìm thấy được trong các loại hạt cà phê, trong trà (chè), hạt cola, và trong hạt ca cao
Những ảnh hưởng của cà phê tới sức khỏe tim mạch hiện vẫn đang được tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu.
4.Dầu gan cá tuyết giúp phòng bệnh tim mạch?
Hiện nay các chế phẩm từ dầu gan cá tuyết được coi là thần dược để giảm mỡ máu. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu của các nhà khoa học, dầu gan cá tuyết không có tác dụng giảm Cholesterol máu cũng như giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch.
5.Dầu đun nóng khi nấu nướng không tốt cho sức khoẻ?
Nhiều gia đình hiện nay sử dụng các loại dầu thực vật để chiên rán các món ăn. Làm nóng bất kỳ loại dầu ăn chưa bão hòa nào ở nhiệt độ rất cao có thể dẫn đến sự thay đổi bất lợi trong thành phần dầu ăn, các chất béo chưa bão hòa sẽ chuyển thành chất béo bão hòa. Những chất béo này sẽ làm nặng lên tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid, cũng như, các chất sinh ra khi đun ở nhiệt độ cao cũng có khả năng gây ung thư. Tuy nhiên, nhiệt độ khi nấu ăn tại nhà không phải là một mối lo ngại nếu dầu ăn chỉ được sử dụng một lần.
6.Mỗi người có thể ăn bao nhiêu quả trứng mỗi tuần?
Trứng là thực phẩm phổ biến ở Việt Nam. Nhiều người có sở thích ăn món trứng trong nhiều bữa ăn hàng ngày. Chất lipit có trong lòng đỏ, triglixerit 62,3%, photpholipit 32,8% và cholesterol 4,9% với một ít aminolipit. Vỏ cứng chứa: cacbonat canxi khoảng 98,43%, cacbonat magiê 0,84% và photphat canxi 0,73% theo trọng lượng. Còn xét tổng thể quả trứng, phần nước chiếm khoảng 65,7%, protit 12%, lipit 10,6%, gluxit 0,8% và khoáng chất 10,9% về trọng lượng.
Trứng có nguồn chất béo Lecithin theo các nghiên cứu gần đây cho thấy nó có tác dụng điều hòa lượng cholesterol, ngăn ngừa tích lũy cholesterol, thúc đẩy quá trình phân tách chất này và bài xuất các thành phần thu được ra khỏi cơ thể
Tuy nhiên, các thực phẩm giàu Cholesterol như trứng và các sản phẩm từ trứng như mayonnaise, gan, tôm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các thực phẩm này thường liên quan tới việc tăng sử dụng các chất béo bão hòa. Việc giảm các chất béo bão hòa và thay thế bằng các chất béo không bão hòa sẽ tốt hơn cho tim mạch. Vì vậy, mỗi người nên ăn một quả trứng mỗi ngày cũng như việc ăn hải sản không thường xuyên tốt hơn cho sức khỏe.
ThS.BS. Lê Anh Tuấn - Viện Tim mạch Việt Nam.