Dự án phòng, chống bệnh tim mạch - Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế
Tác giả: ThS.BS. Nguyễn Anh Quân - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh tĩnh mạch chi dưới mạn tính là tình trạng bất thường về cấu trúc hoặc chức năng kéo dài ảnh hưởng đến hệ thống tĩnh mạch, gây ra các triệu chứng đòi hỏi phải được chẩn đoán và điều trị.
Đây là một bệnh khá phổ biến với người dân, đặc biệt ở những người có thói quen hoặc nghề nghiệp phải đứng lâu hoặc ngồi bất động, tuổi cao, thừa cân, béo phì, phụ nữ sinh nở nhiều lần, hoặc trong gia đình có người thân cũng bị bệnh lý tĩnh mạch.
Mặc dù không phải là bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh, bệnh tĩnh mạch chi dưới mạn tính ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, và cũng có thể gây ra những biến chứng nặng nề như loét chân, chảy máu, viêm tắc tĩnh mạch sâu và nông, thuyên tắc động mạch phổi.
Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh tĩnh mạch chi dưới mạn tính là hậu quả của tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch kéo dài. Người bệnh thường xuyên than phiền về các triệu chứng như đau, tức nặng, cảm giác bứt rứt, chuột rút (thường về đêm), dị cảm chi dưới, phù chi dưới…Những biểu hiện này thường nặng lên về cuối ngày, sau khi đứng lâu hoặc ngồi lâu bất động, tiếp xúc với nhiệt độ cao, và giảm đi khi gác cao chân hay tiếp xúc nước lạnh. Những dấu hiệu chính của bệnh là các biến đổi trên da như đám giãn tĩnh mạch mạng nhện, giãn tĩnh mạch dạng lưới, búi giãn tĩnh mạch nông nổi ngoằn nghoèo ở đùi và cẳng chân, phù chân, biến đổi màu sắc da do rối loạn sắc tố, viêm da.
Biểu hiện nặng nhất là loét quanh mắt cá, cổ chân, tuy không đau nhưng rất khó điều trị. Loét do nguyên nhân tĩnh mạch chiếm 60 – 65% tất cả các loại loét. Tại Hoa Kỳ, chi phí để chăm sóc và điều trị bệnh nhân loét lên tới 1 tỷ đô la mỗi năm.
Hình 1: Minh họa dòng trào ngược tĩnh mạch bệnh lý và các dấu hiệu thường gặp của bệnh tĩnh mạch mạn tính
Hình 2: Các giai đoạn khác nhau của bệnh tĩnh mạch mạn tính
Người bệnh có các triệu chứng và dấu hiệu nghi ngờ bệnh tĩnh mạch chi dưới, đặc biệt là suy tĩnh mạch với biểu hiện phù, rối loạn sắc tố da, loét, thì cần đi khám sớm để được tư vấn dự phòng và điều trị. Siêu âm Doppler mạch máu chi dưới phát hiện dòng trào ngược bệnh lý trong lòng tĩnh mạch (trên gối) là phương pháp đơn giản nhưng quan trọng nhất để chẩn đoán bệnh.
Các biện pháp dự phòng bao gồm các bài tập thể dục nhằm tăng cường sử dụng chức năng bơm của cơ, tạo điều kiện cho hồi lưu tĩnh mạch như đi bộ, đạp xe, bơi lội; tránh đứng bất động trong thời gian dài, tư thế ngồi bắt chéo chân; tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao, giảm cân nặng, tránh táo bón.
Các phương pháp điều trị nội khoa gồm thuốc tăng cường trương lực tĩnh mạch: có thể chỉ định cho mọi giai đoạn bệnh, có hiệu quả cao để giảm nhẹ triệu chứng và tăng tốc độ liền vết loét nếu có; tất chun áp lực y khoa được chỉ định để điều trị triệu chứng và dự phòng tiến triển nặng lên của suy tĩnh mạch mạn tính. Người bệnh nên đeo tất khi đi lại nhiều, ngồi nhiều, bỏ ra vào chiều tối hoặc khi tắm rửa, vệ sinh cá nhân.
Phẫu thuật lấy bỏ tĩnh mạch hiển và búi giãn tĩnh mạch bị suy là phương pháp điều trị có lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, sự phát triển của các kỹ thuật can thiệp sử dụng nhiệt (laser, sóng cao tần) hay không nhiệt (keo sinh học, tiêm xơ bọt) đã gần như thay thế hoàn toàn phẫu thuật. Nguyên lý của tất cả các phương pháp can thiệp là gây tắc lòng tĩnh mạch bị bệnh (tĩnh mạch hiển lớn, tĩnh mạch hiển nhỏ, tĩnh mạch xuyên) để cắt đứt dòng trào ngược tĩnh mạch bệnh lý. Bệnh nhân được can thiệp trong thời gian ngắn, không phải nằm viện kéo dài (1-2 ngày), có thể nhanh chóng quay trở lại cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.
Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị công lập đầu tiên tại miền Bắc triển khai các kỹ thuật can thiệp hiện đại để điều trị bệnh tĩnh mạch mạn tính trong hơn 10 năm qua. Hàng nghìn bệnh nhân đã được can thiệp thành công, hàng chục nghìn lượt bệnh nhân nội, ngoại trú đã được chăm sóc và điều trị bằng các phương pháp khác nhau, không chỉ đem lại hiệu quả về mặt điều trị, mà còn đảm bảo về mặt thẩm mỹ.