Lợi ích của các chất xơ, vitamin và khoáng chất trong dự phòng bệnh tim mạch

11/15/2020 8:59:05 AM  08:59

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thị Bạch Yến

1. Lợi ích của các chất xơ dự phòng bệnh tim mạch

Chất xơ được chia thành 2 loại chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ hòa tan chủ yếu được tìm thấy trong trái cây và rau quả, các loại đậu, và yến mạch. Các loại thực phẩm này thường được nói đến nhiều và tác dụng giảm glucose và cholesterol trong máu.

*Chất xơ hòa tan

Nghiên cứu cho thấy khi sử dụng thêm một gam chất xơ hòa tan mỗi ngày sẽ giúp làm giảm khoảng 2 mg/dL (0,052 mmol/l) LDL-C [1]. Các nghiên cứu cũng cho thấy Beta-glucan có trong Yến mạch có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu. Theo tác giả Rypsin, ăn 3g/ngày (tương đương ba phần ngũ cốc yến mạch ăn sáng hoặc bánh mì làm bằng bột yến mạch) có thể làm giảm cholesterol toàn phần xuống 6 mg/dL (0,1 mmol/l) [2].

*Chất xơ toàn phần

Ăn tăng thêm tổng lượng chất xơ 10g/ngày sẽ giúp giảm 15% nguy cơ tử vong do bệnh động mạch vành [4].  Một nghiên cứu phân tích tổng hợp về việc ăn bổ sung chất xơ hàng ngày cho thấy rằng ăn tăng 11,5g/ngày giúp giảm huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu xuống 1 mmHg [5]

Như vậy, trong chiến lược ăn kiêng nên tập trung vào việc tăng tất cả các loại chất xơ. Để đạt được điều này cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Thay thế các loại bột và ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng và mì trắng bằng các loại bánh mì nguyên hạt, mì ống nguyên hạt và gạo chưa xát vỏ (gạo lức).
  • Kiểm tra nhãn thực phẩm:  Lựa chọn các thực phẩm có hàm lượng chất xơ tối thiểu là 3g/100g (3%).
  • Thay thế các loại ngũ cốc ăn sáng như bột gạo, bột ngô bằng các loại ngũ cốc nguyên hạt như cháo yến mạch.
  • Tăng cường ăn trái cây, rau quả và đậu.

2.  Lợi ích của Vitamin và khoáng chất trong dự phòng bệnh tim mạch

Trong các thập kỷ qua, tác dụng của việc bổ sung vitamin và khoáng chất trong phòng ngừa bệnh tim mạch đã được các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng.
Các nghiên cứu thực nghiệm trên động vật cũng như các nghiên cứu quan sát dịch tễ trong cộng đồng đều đã khẳng định vai trò của các chất chống oxy hóa trong dự phòng bệnh tim mạch.

2.1.Vitamin E

Vitamin E bao gồm một số chất đồng phân khác nhau của hợp chất α-tocopherol, hoạt động mạnh nhất trong huyết tương. Nguồn Cung cấp vitamin E dồi dào nhất trong tự nhiên là dầu thực vật và rau quả. Lượng tiêu thụ trung bình hàng ngày của mỗi người là 10-15 mg. Vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh, ức chế quá trình peroxy hóa lipit màng tế bào và LDLs (LDL-C nhỏ) và ức chế sự hình thành khối u [6,7].

Một số nghiên cứu phân tích gộp kết quả các nghiên cứu đã đề cập đến liên quan giữa vitamin E với tỷ lệ tử vong do tim mạch  [8–12]. Một phân tích tổng hợp từ 19 thử nghiệm với tổng số 130.000 người tham gia, thời gian theo dõi từ 1,8 đến 8,2 năm, liều vitamin E trung bình hàng ngày là 16,5 - 2000 IU, kết quả cho thấy khi bổ sung vitamin E ở liều cao có liên quan đến tăng tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân [9]. Kết luận này cũng được khẳng định bởi một nghiên cứu khác [13].

2.2.Vitamin C: Axit ascobic

Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, tan trong nước[14]. Nguồn cung cấp vitamin C chính là từ chế độ ăn uống, trái cây và rau quả. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy vitamin C có tác dụng ngăn ngừa quá trình oxy hóa LDL-C và cải thiện chức năng nội mô. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng đầy đủ từ các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên để đưa ra đề xuất về việc bổ sung vitamin C trong dự phòng biến cố tim mạch thì. [15].

2.3.Vitamin D

Thiếu vitamin D rất phổ biến trên toàn thế giới [16]. Hậu quả rõ rệt nhất của thiếu vitamin D là các bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương (còi xương ở trẻ em, loãng xương ở người lớn). Khoa học đã xác nhận rằng các thụ thể vitamin D có mặt trên nhiều loại tế bào, bao gồm các nguyên bào xương, tế bào hệ thống miễn dịch, tế bào thần kinh, tế bào beta tuyến tụy, tế bào nội mô mạch máu, và tế bào cơ tim. Bằng chứng cho thấy hàm lượng vitamin D thấp là yếu tố nguy cơ của các bệnh về chuyển hóa và tim mạch (đái tháo đường type 2, tăng huyết áp) [17,18]. Tuy nhiên, đa số các thử nghiệm lâm sàng gần đây đã không cung cấp được bằng chứng rõ ràng về lợi ích của việc bổ sung Vitamin D (với các dạng và liều lượng khác nhau) trong việc giảm nguy cơ tim mạch.

Tài liệu tham khảo

  • Brown L, Rosner B, Willett WW, et al. Cholesterol-lowering effects of dietary fiber: a meta-analysis. Am J Clin Nutr 1999; 69: 30–42.
  • Ripsin CM, Keenan JM, Jacobs DR, et al. Oat products and lipid lowering. A meta-analysis. J Am Med Assoc 1992; 267: 3317–25.
  • Lovegrove JA, Clohessy A, Milon H, et al. Modest doses of  beta-glucan do not reduce concentrations of potentially atherogenic lipoproteins. Am J Clin Nutr 2000; 72: 49–55.
  • Crowe FL, Key TJ, Appleby PN, et al. Dietary fibre intake and ischaemic heart disease mortality: the European Prospective Investigation into Cancer and Nutrition-Heart study. Eur J Clin Nutr 2012; 66: 950–6.
  • Streppel MT, Arends LR, van’t Veer P, et al. Dietary fiber and blood pressure: a meta-analysis of randomized placebo-controlled trials. Arch Intern Med 2005; 165: 150–6.
  • Brigelius-Flohe R, Kelly FJ, Salonen JT, et al. The European perspective on vitamin E: current knowledge and future research. Am J Clin Nutr 2002; 76: 703–16.
  • Jialal I, Fuller CJ, Huet BA. The effect of alpha-tocopherol supplementation on LDL oxidation. A dose-response study. Arterioscler Thromb Vasc Biol 1995; 15: 190–8.
  • Eidelman RS, Hollar D, Hebert PR, et al. Randomized trials of vitamin E in the treatment and prevention of cardiovascular disease. Arch Intern Med 2004; 164: 1552–6.
  • Miller ER III, Pastor-Barriuso R, Dalal D, et al. Meta-analysis: highdosage vitamin E supplementation may increase all-cause mortality. Ann Intern Med 2005; 142: 37–46.
  • Pham DQ, Plakogiannis R. Vitamin E supplementation in cardiovascular disease and cancer prevention: Part 1. Ann Pharmacother 2005; 39: 1870–8.
  • Shekelle PG, Morton SC, Jungvig LK, et al. Effect of supplemental vitamin E for the prevention and treatment of cardiovascular disease. J Gen Intern Med 2004; 19: 380–9.
  • Vivekananthan DP, Penn MS, Sapp SK, et al. Use of antioxidant vitamins for the prevention of cardiovascular disease: meta-analysis of randomised trials. Lancet 2003; 361: 2017–23.
  • Bjelakovic G, Nikolova D, Gluud LL, et al. Mortality in randomized trials of antioxidant supplements for primary and secondary prevention: systematic review and meta-analysis. J Am Med Assoc 2007; 297: 842–57.
  • Sauberlich HE. Pharmacology of vitamin C. Ann Rev Nutr 1994; 14: 371–91.
  • Frei B. To C or not to C, that is the question! J Am Coll Cardiol 2003; 42: 253–5.
  • Holick MF. Vitamin D deficiency. N Engl J Med 2007; 357: 266–81.
  •  Lavie CJ, Lee JH, Milani RV. Vitamin D and cardiovascular disease will it live up to its hype? J Am Coll Cardiol 2011; 58: 1547–56.
  • Pittas AG, Dawson-Hughes B. Vitamin D and diabetes. J Steroid Biochem Mol Biol 2010; 121: 425–9