Lợi ích của một số chế độ ăn kiêng trong dự phòng bệnh tim mạch

12/2/2020 9:00:36 AM  09:00

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thị Bạch Yến

1-Lợi ích của chế độ ăn nhiều rau, trái cây trong dự phòng bệnh tim mạch

Nhiều phát hiện trong các nghiên cứu quan sát và nghiên cứu cộng đồng đã ủng hộ giả thuyết chế độ ăn rau quả có tác dụng điều hoà huyết áp [1–6]. Trong nghiên cứu DASH, chế độ ăn rau quả (được kiểm soát chặt chẽ) trong 8 tuần đã làm giảm 2,8 mmHg huyết áp tâm thu và giảm 1,1 mmHg huyết áp tâm trương. Một số nghiên cứu khác cũng cho các kết quả tương tự [7].

Một số nghiên cứu đã cho thấy tác dụng của trái cây và rau quả đối với giảm lipit máu [8,9]. Tác dụng này của trái cây và rau quả là thông qua lượng chất xơ có trong rau quả. Một số nghiên cứu đoàn hệ đã cho thấy một số thành phần của trái cây và rau quả (chất chống oxy hóa, chất xơ và magiê) có tác dụng chống lại sự khởi phát bệnh đái tháo đường [10–11] .

2. Lợi ích chế độ ăn cá trong dự phòng bệnh tim mạch

Tác dụng bảo vệ của cá đối với bệnh tim mạch là do tác dụng của lượng axit béo không no n-3. Các axit béo thiết yếu này có một số tác dụng sinh lý như chống viêm, chống kết tập tiểu cầu, giảm triglyceride, cải thiện chức năng nội mô và chống loạn nhịp tim.

Nghiên cứu từ những năm 1950, so sánh người Inuit ở Greenland (ăn khoảng 14g axit béo n-3 mỗi ngày) với người Đan Mạch (ăn khoảng 3g axit béo n-3 mỗi ngày) đã cho thấy tỷ lệ mắc nhồi máu cơ tim ở người Inuit thấp hơn 10 lần so với người Đan Mạch.

Nghiên cứu của Kromhout và cộng sự, năm 1985 cũng cho thấy chỉ với một lượng nhỏ cá trong chế độ ăn cũng làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch ở nam giới [12 ]Tác dụng bảo vệ tim mạch tương tự cũng được nhận thấy trong phòng ngừa thứ phát. [13]

Phân tích gộp cho thấy ăn cá ít nhất một lần một tuần làm giảm 15% nguy cơ mắc bệnh CHD (RR 0,85, KTC 95% 0,76–0,96) [14].Một phân tích tổng hợp khác cho thấy so ​​với ăn ít cá (<1 lần/tháng), việc ăn cá từ 2-4 lần/một tuần giúp giảm 18% nguy cơ đột quỵ (với RR 0,82,95%CI  0,72-0,94) [15].

Mối quan hệ giữa lượng cá ăn vào và nguy cơ tim mạch không phải là tuyến tính. So với việc không ăn cá, nguy cơ tim mạch giảm nhanh khi ăn lượng cá nhỏ đến vừa phải. Do đó, khuyến nghị đưa ra là ăn cá ít nhất hai lần một tuần, trong đó một khẩu phần nên là cá có nhiều mỡ (dầu).

3. Một số chế độ ăn kiêng giúp bảo vệ tim mạch

3.1 Chế độ ăn Portfolio

Trong thời gian qua, một số chế độ ăn "bảo vệ tim mạch" đã được nghiên cứu. Đây là các chế độ ăn có đầy đủ các chất dinh dưỡng, trong đó các thực phẩm được phối hợp với nhau theo tỷ lệ nhất định để giúp bảo vệ tim mạch.

Một chế độ ăn kiêng như vậy là chế độ ăn Portfolio, đây là chế độ ăn ít chất béo bão hòa, kết hợp với tăng protein từ đậu nành (50g/ngày), chất béo hòa tan (20g/ngày), sterol thực vật (2g/ngày) và các loại hạt (ví dụ như hạnh nhân-30g/ngày).

Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng , chế độ ăn Portfolio đã có hiệu quả giảm 30% LDL-C tương đương với Lovastatin [16]. Đánh giá hiệu quả dài hạn sau 1 năm (với điều kiện sống bình thường) ở những cá nhân tuân thủ chế độ ăn này đã cho thấy giảm được 20% LDL-C [17]. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng từ các nghiên cứu dài hạn về lợi ích của việc giảm cholesterol bằng các chế độ ăn chuyên biệt này trong việc giảm các biến cố tim mạch.

Như vậy, chế độ ăn kiêng có lẽ cần sự kết hợp của cả chế độ ăn có bằng chứng về giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch từ các nghiên cứu đối chứng (ví dụ như chế độ ăn làm giảm cholesterol) với các chế độ ăn có bằng chứng dài hạn về giảm biến cố Tim mạch từ các nghiên cứu đoàn hệ (xem Bảng 1)

Bảng 1: Tóm tắt các tác dụng của thực phẩm và chất dinh dưỡng tới các yếu tố nguy cơ tim mạch và các khuyến nghị

Thực phẩm

Liên quan tới các biến cố tim mạch

Liên quan tới các yếu tố nguy cơ tim mạch

Khuyến nghị

Carbohydrate: chỉ số đường (GI)

+++ GI cao tăng nguy cơ bệnh tim mạch

+++ Giảm nhẹ Cholesterol toàn phần với GI thấp
+++ Giảm HbA1C ở người ĐTĐ có GI thấp

Khuyến khích lựa chọn GI thấp

Ăn nhiều đồ ăn ngọt

++ Tăng biến cố bệnh tim mạch

+ Tăng huyết áp, Triglycerid, giảm HDL-C
+ Tăng cân
++ Tăng protein phản ứng C

Tránh ăn các đồ ăn ngọt.

Ăn nhiều chất xơ

+++ Tăng nguy cơ mắc bệnh Tim mạch

+++ Giảm Cholesterol
+++ Hạ huyết áp một phần

Tăng ăn các chất xơ và tác dụng tốt nhất với các thực phẩm có GI thấp.

Chế độ ăn Portfolio

 

++ Giảm Cholesterol

chế độ ăn này có bằng chứng mạnh mẽ trong việc giảm biến cố tim mạch.

3.2. Chế độ ăn Địa Trung Hải

Chế độ ăn Địa Trung Hải là chế độ ăn bao gồm nhiều loại chất dinh dưỡng và thực phẩm: ăn nhiều trái cây, rau, các loại đậu, các sản phẩm nguyên hạt, cá và axit béo không bão hòa (đặc biệt là dầu ô liu); uống vừa phải rượu (chủ yếu là rượu vang, tốt nhất là uống trong bữa ăn); ăn ít thịt (đặc biệt là thịt đỏ), ăn ít các sản phẩm từ sữa, các axit béo bão hòa.

Một số nghiên cứu đã chứng minh tác dụng bảo vệ tim mạch của chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải. Gần đây, một phân tích tổng hợp [18] đã cho thấy  tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn Địa Trung Hải giúp làm giảm 10% tỷ lệ mắc hoặc tử vong do tim mạch (RR: 0,90, 95%CI 0,87-0,93) và giảm 8% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân (RR: 0,92, 95%CI 0,90-0,94). Hiệu quả của việc tuân thủ chế độ ăn Địa Trung Hải trong dự phòng tiên phát các biến cố tim mạch cũng đã được chứng minh trong nghiên cứu PREDIMED [19].

Tài liệu tham khảo

  1. Ascherio A, Rimm EB, Giovannucci EL, et al. A prospective study of nutritional factors and hypertension among US men. Circulation 1992; 86: 1475–84.
  2. Dauchet L, Kesse-Guyot E, Czernichow S, et al. Dietary patterns and blood pressure change over 5-y follow-up in the SU.VI.MAX cohort. Am J Clin Nutr 2007; 85: 1650–6.
  3. Sacks FM, Rosner B, Kass EH. Blood pressure in vegetarians. Am J Epidemiol 1974; 100: 390–8.
  4. Shah M, Jeffery RW, Laing B, et al. Hypertension Prevention Trial (HPT): food pattern changes resulting from intervention on sodium, potassium, and energy intake. Hypertension Prevention Trial Research Group. J Am Diet Assoc 1990; 90: 69–76.
  5. Hypertension Prevention Trial Research Group. The Hypertension Prevention Trial: three-year effects of dietary changes on blood pressure. Arch Intern Med 1990; 150: 153–62.
  6. Margetts BM, Beilin LJ, Vandongen R, et al. Vegetarian diet in mild hypertension: a randomised controlled trial. Br Med J 1986; 293: 1468–71.
  7. John JH, Ziebland S, Yudkin P, et al. Effects of fruit and vegetable consumption on plasma antioxidant concentrations and blood pressure: a randomised controlled trial. Lancet 2002; 359: 1969–74.
  8. Zino S, Skeaff M, Williams S, et al. Randomised controlled trial of effect of fruit and vegetable consumption on plasma concentrations of lipids and antioxidants. Br Med J 1997; 314: 1787–91.
  9. Smith-Warner SA, Elmer PJ, Tharp TM, et al. Increasing vegetable and fruit intake: randomized intervention and monitoring in an at-risk population. Cancer Epidemiol Biomarkers Prev 2000; 9: 307–17.
  10. Hu FB, van Dam RM, Liu S. Diet and risk of type II diabetes: the role of types of fat and carbohydrate. Diabetologia 2001; 44: 805–17.
  11. Lopez-Ridaura R, Willett WC, Rimm EB, et al. Magnesium intake and risk of type 2 diabetes in men and women. Diabetes Care 2004; 27: 134–40.
  12. Kromhout D, Bosschieter EB, de Lezenne CC. The inverse relation between fish consumption and 20-year mortality from coronary heart disease. N Engl J Med 1985; 312: 1205–9.
  13. Burr ML. Lessons from the story of n-3 fatty acids. Am J Clin Nutr 2000; 71: 397S–398S
  14. He K, Song Y, Daviglus ML, et al. Accumulated evidence on fish consumption and coronary heart disease mortality: a meta-analysis of cohort studies. Circulation 2004; 109: 2705–11.
  15. He K, Song Y, Daviglus ML, et al. Fish consumption and incidence of stroke: a meta-analysis of cohort studies. Stroke 2004; 35: 1538–42.
  16. Jenkins DJ, Kendall CW, Marchie A, et al. Effects of a dietary portfolio of cholesterol-lowering foods vs lovastatin on serum lipids and C-reactive protein. J Am Med Assoc 2003; 290: 502–10.
  17. Jenkins DJ, Kendall CW, Faulkner DA, et al. Assessment of the longer-term effects of a dietary portfolio of cholesterol-lowering foods in hypercholesterolemia. Am J Clin Nutr 2006; 83: 582–91.
  18. Sofi F, Abbate R, Gensini GF, et al. Accruing evidence on benefits of adherence to the Mediterranean diet on health: an updated systematic review and meta-analysis. Am J Clin Nutr 2010; 92: 1189–96.
  19. Estruch R, Ros E, Salas-Salvadó J, et al., for the PREDIMED Study Investigators. Primary prevention of cardiovascular disease with a Mediterranean diet. N Engl J Med 2013; 368: 1279–90.